05:40, 03/12/2023
Số liệu thống kê giáo dục đại học được công bố trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2018 đến 2021 cho thấy, trong khi quy mô đào tạo, số lượng sinh viên tuyển mới hằng năm tăng song số lượng sinh viên tốt nghiệp lại liên tục giảm. Khoảng cách giữa số sinh viên nhập học và số người tốt nghiệp hằng năm ngày càng xa.
Kể từ năm 2017, số sinh viên tốt nghiệp bắt đầu giảm dần bất kể số tuyển mới những năm sau đó đều tăng mạnh. Đến năm 2021, số sinh viên tuyển mới là 568.856 em nhưng số tốt nghiệp chỉ 245.173 em, chênh lệch giữa số sinh viên nhập học và tốt nghiệp lên đến hơn 300.000 sinh viên.
Lễ tốt nghiệp và trao bằng bác sĩ, dược sĩ năm 2023 của Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột năm 2023. (Ảnh minh họa) |
Nghiên cứu các con số công khai của các trường đại học trong năm 2022, 2023 càng cho thấy bức tranh cụ thể tỷ lệ tốt nghiệp/tốt nghiệp đúng hạn của sinh viên. Chẳng hạn, tháng 9/2022 Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh hoàn tất việc xét tốt nghiệp đợt 1 cho gần 1.800 sinh viên, trong đó khoảng 30% sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp, phần lớn do chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ.
Tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không đúng hạn năm 2022 là khoảng 50%; tỷ lệ này ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là hơn 30%; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) là 40%…
Tại Trường Đại học Tây Nguyên, năm học 2022 – 2023 tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn trung bình toàn trường cũng chỉ đạt 67,68%; trong đó khoa có tỷ lệ cao nhất là 87,24%, khoa thấp nhất là 40,35%.
Những con số “biết nói” trên đã chỉ ra thực tế là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và tốt nghiệp đúng hạn đang có xu hướng giảm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không phải cứ vào đại học là sẽ được tốt nghiệp. Cho dù đầu vào có ưu tú như thế nào nhưng nếu không nghiêm túc học tập, sinh viên sẽ khó/không thể tốt nghiệp/tốt nghiệp đúng hạn.
Hiện nay, tất cả các trường đại học đều có những yêu cầu chung về chuẩn đầu ra, trong đó yêu cầu về ngoại ngữ là điều kiện mà nhiều sinh viên chưa đáp ứng được dẫn đến việc tốt nghiệp không đúng hạn, thậm chí không tốt nghiệp được.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. Theo đó, yêu cầu với người có bằng đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu.
Các ngoại ngữ đang được áp dụng hiện nay là tiếng Anh, Trung, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Nga, tùy trường. B1 là mức tối thiểu được đa số đại học dùng để xét đầu ra ngoại ngữ. Nhiều trường đại học bên cạnh việc chấp nhận sử dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc còn chấp nhận các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (bằng cách quy đổi) như: IELTS, TOEIC, TOEFL, APTIS. Một số trường còn chấp nhận chứng nhận ngoại ngữ nội bộ cho việc xét tốt nghiệp. Dù vậy, vẫn có không ít sinh viên vô cùng chật vật mới đáp ứng được chuẩn đầu ra về ngoại ngữ.
Đỗ đại học mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình dài có thể kéo dài từ 4 – 8 năm đối với mỗi sinh viên. Vì vậy mỗi sinh viên cần có sự đầu tư nghiêm túc cả về thời gian, công sức, tài chính cho việc học của bản thân, tránh tình trạng học mãi vẫn không thể tốt nghiệp.
Bình An