Sáng 17/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và giải pháp thực hiện năm 2025.
Tham dự chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện và Sở, ngành trong tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Báo cáo tại hội nghị cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể: nguồn vốn trong giai đoạn đã phân bổ kịp thời đến từng địa phương, đơn vị, trong giai đoạn 2021-2024 đã phân bổ 1.158 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 100%, gồm 566,8 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; 591,2 tỷ đồng vốn sự nghiệp); đối với 07 Dự án và 11 Tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình được triển khai đồng bộ; các chính sách giảm nghèo như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; công trình vệ sinh; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để khám chữa, bệnh; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động… được triển khai đầy đủ.
Đồng chí Phạm Ngọc Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị
Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên toàn tỉnh giai đoạn 2021-2024 là 2%/năm, trong đó, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,09%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết, Kế hoạch đề ra), cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và góp phần ổn định chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng khó khăn, từ năm 2021 đến hết tháng 12/2024, trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây mới, sửa chữa 5.649 căn nhà cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 284,605 tỷ đồng (trong đó, xây mới 4.612 căn, sửa chữa 1.037 căn). Riêng năm 2024, đã bàn giao 1.552 căn nhà.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung – Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện và giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình còn chậm và tỷ lệ giải ngân còn thấp; kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo chỉ ở mức đạt kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; trách nhiệm của các đơn vị địa phương chưa cao; công tác chỉ đạo rà soát, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa chưa được quan tâm, còn 06 địa phương phê duyệt chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt của tỉnh (Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana, Krông Búk, Krông Năng và Lắk).
Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo từ 4-5%. Toàn tỉnh sẽ hỗ trợ xây mới, sửa chữa 7.312 căn nhà trong đó xây mới 5.891 căn; sửa chữa 1.421 căn cho gia đình chính sách người có công, hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Đồng chí Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cho rằng, năm 2025 là năm cuối thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025; trong đó, có chỉ tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo. Qua báo cáo của các địa phương đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn 6,38%, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở hiện còn 7.312 hộ, đây chính là một thách thức rất lớn đối với tỉnh, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu phải quyết liệt, quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa.
Thiếu tướng Lê Vình Quy – Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ về kinh nghiệm xây nhà cho hộ nghèo
Do đó, khi xây dựng nghị quyết cần rút kinh nghiệm trong mục tiêu giảm nghèo, không đóng khung tỷ lệ. Các cấp ủy cần thống nhất về nhận thức và hành động, tuyên truyền nâng cao nhận thức hộ nghèo tâm lý không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách; phát huy trách nhiệm chính quyền các cấp, khắc phục tình trạng nhiều nơi không quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực, xây dựng giải pháp căn cơ đột phá, rà soát hộ nghèo không đáp ứng tiêu chí làm chậm tiến độ chung của tỉnh.
Đồng chí Vũ Hồng Nhật – Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar tham luận tại hội nghị
Để chương trình giảm nghèo và xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh đạt mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2025 và cả giai đoạn 2021 – 2025, đề nghị các cấp ủy phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và đề ra giải pháp thiết thực để thực hiện Chương trình giảm nghèo, nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao nhất. Yêu cầu Bí thư cấp ủy, UBND tỉnh, địa phương chủ động bố trí nguồn lực, ưu tiên lãnh đạo triển khai quyết liệt nắm tình hình chỉ đạo sát sao hoàn thành nhiệm vụ này.
UBND tỉnh triển khai nhanh nhiệm vụ rà soát phúc tra hộ nghèo, chỉ đạo Sở, ngành tham mưu chính sách kịp thời, phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 3% và đến ngày 31/12/2025 hoàn thành bằng được mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/-ak-lak-quyet-tam-giam-ty-le-ho-ngheo-xuong-duoi-3-hoan-thanh-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-trong-nam-2025