08:26, 23/11/2023
Là thủ phủ cà phê của cả nước, Đắk Lắk đang tiên phong xây dựng chuỗi sản xuất cà phê không gây mất rừng để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường châu Âu.
Đắk Lắk là mô hình điểm của cả nước
Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 210.000 ha (chiếm trên 30% diện tích cà phê cả nước). Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 810 triệu USD, chiếm tỷ trọng 21% so với cả nước. Vùng trồng cà phê của Đắk Lắk đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu cà phê của cả nước. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã lựa chọn Đắk Lắk xây dựng mô hình điểm để nhân rộng ra các vùng trồng cà phê trên cả nước.
Mô hình cà phê bền vững ở huyện Cư M’gar. |
Theo Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), trước mắt, tỉnh sẽ xây dựng/thu thập, bổ sung, hoàn thiện hệ thống dữ liệu vùng sản xuất, dữ liệu rừng đáp ứng yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) tại ba huyện thí điểm là Krông Năng, Ea H’leo, Cư M’gar. Đồng thời, rà soát diện tích trồng cà phê (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); diện tích trồng trên đất lâm nghiệp trước ngày 31/12/2020; rà soát, xác định các điểm gây mất rừng, suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020, đề xuất các giải pháp hỗ trợ nông dân vùng rủi ro cao.
Theo bà Phan Thị Vân, Giám đốc Chương trình IDH Việt Nam, thời gian qua, các đối tác công tư đã phối hợp với tỉnh Đắk Lắk xây dựng và đưa ra gói kỹ thuật hỗ trợ, bao gồm: giải pháp đáp ứng với bộ luật EUDR; gói giải pháp giảm thiểu rủi ro (xác định, xử lý vấn đề phá rừng; giám sát, bảo vệ, tái sinh rừng; mô hình sinh kế nông hộ). Đây là cơ sở để chứng minh cho các nhà nhập khẩu châu Âu thấy rằng cà phê Việt Nam, Đắk Lắk không đến từ vùng phá rừng. Đồng thời, Việt Nam cũng đã có những giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro cho cà phê xuất khẩu sang EU không xuất phát từ vùng trồng do phá rừng.
Bà Vân cho rằng, hiện nay, cà phê cảnh quan là mô hình đáp ứng với những quy định của EUDR, đã được thực hiện thành công tại các huyện Krông Năng, Cư M’gar. Cùng với các gói giải pháp kỹ thuật cũng như giải pháp về tổ chức, mô hình cà phê cảnh quan sẽ là nền tảng cơ bản và quan trọng để chủ động ứng phó với những quy định của thị trường EU trong thời gian tới.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ
Trong nhiều năm qua, ngành cà phê đã có nền tảng hợp tác đa bên để thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự ra đời của EUDR là một “cú hích” quan trọng để tạo bước chuyển căn bản cho toàn bộ ngành hàng theo hướng minh bạch và bền vững. Do đó, để tận dụng tốt “cú hích” này, địa phương và các tác nhân liên quan cần khẩn trương phối hợp hành động, bởi theo EUDR thì đến ngày 31/12/2024 mới thực thi, nhưng bản chất thì trong niên vụ cà phê 2023 – 2024 đã có hiệu lực.
Khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về chế biến cà phê chất lượng cao trong niên vụ 2023 – 2024 trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phát triển bền vững Simexco Daklak, công ty cam kết với tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 5 huyện nữa để xây dựng mô hình thí điểm, nhanh chóng đưa cà phê có nguồn gốc từ Đắk Lắk đáp ứng được các yêu cầu của EU. Tuy nhiên, việc chứng minh được nguồn gốc cà phê không gây mất rừng khá phức tạp nên rất mong sự đồng hành của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, sự hợp tác của bà con nông dân.
Hiện nay, các địa phương trong vùng thí điểm đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đặc biệt là tập trung vào công tác tuyên truyền các quy định của EUDR đến từng cán bộ quản lý các cấp, các doanh nghiệp/công ty trên địa bàn và người dân thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, ngành kiểm lâm phối hợp với UBND các xã có diện tích rừng tăng cường tuần tra, giám sát việc chấp hành lâm luật trên địa bàn để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi lấn chiếm đất rừng… tránh làm ảnh hưởng việc thực thi các quy định của EUDR trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm tại Đắk Lắk là các vấn đề liên quan đến cơ chế cung cấp thông tin và sử dụng thông tin về cơ sở dữ liệu đất đai, bản đồ lâm nghiệp, bản đồ địa chính; cơ sở dữ liệu công dân (những người sử dụng vườn cà phê gắn với đất được định vị GPS); nguồn lực kinh phí để thực hiện. Để triển khai chương trình này có hiệu quả trên phạm vi cả nước, ngoài Bộ NN-PTNT thì còn liên quan đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, do đó Chính phủ cần sớm ban hành quy định cụ thể để các địa phương tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Thuận Nguyễn