08:21, 18/08/2023
Để kịp thời ứng phó với những biến đổi bất thường của thời tiết, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh và các ngành chức năng đã chủ động triển khai những biện pháp để bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa mưa bão.
Tổ hợp tác (THT) nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản lồng bè Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) hiện có 10 thành viên nuôi cá dọc sông Krông Ana, với 129 lồng bè. Ông Đỗ Xuân Sang, Tổ trưởng THT cho hay, theo kinh nghiệm của người nuôi thì đến tháng 9, tháng 10 mới bước vào mùa mưa bão, lúc đó mới tiến hành các biện pháp ứng phó. Tuy nhiên, thực tế từ đợt mưa bão năm 2016 và năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nuôi nên ba năm trở lại đây, các thành viên của THT đều chủ động triển khai từ sớm những biện pháp bảo vệ an toàn cho diện tích nuôi cá.
Người nuôi cá lồng bè ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) gia cố lồng bè. |
Trước tình hình khí hậu, thời tiết ngày càng có những biến động thất thường, ngay từ những ngày đầu tháng 8, hộ ông Trần Được (tổ dân phố 5, thị trấn Buôn Trấp) đã tiến hành kiểm tra lưới, gia cố 13 lồng bè nuôi cá diêu hồng của gia đình. Bởi theo ông Được, nuôi cá bằng lồng bè sợ nhất là mưa bão, nước lũ dâng cao đột ngột, nước sông chảy xiết khiến bè cá dễ bị vỡ. Do đó, việc chủ động sửa chữa lồng bè, chằng chống chắc chắn là rất cần thiết. Ngoài ra, ông Được còn thực hiện một số biện pháp để bảo vệ đàn cá trong mùa mưa bão như: tiến hành giảm lượng cá nuôi trong lồng xuống còn một nửa so với trước để hạn chế việc cá va đập vào nhau gây trầy xước cơ thể; bỏ trống 2 – 3 lồng bè đầu tiên để cản nước nhằm giảm áp lực dòng nước chảy mạnh vào các lồng cá phía sau khiến cá dễ bị sốc nước. Đồng thời, dùng lưới che chắn lồng nuôi để tránh thời tiết mưa, nắng xen kẽ thất thường làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn cá.
Hộ anh Hoàng Tuấn Anh (thôn Quỳnh Tân 1, thị trấn Buôn Trấp) đang nuôi 12 lồng cá diêu hồng và cá trê, sản lượng ước đạt 140 tấn/năm. Chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm nay, ngoài việc gia cố lồng bè thì anh đã tiến hành di chuyển lồng bè vào khu vực gần bờ có dòng chảy ổn định và neo đậu chắc chắn, giữ các lồng bè không bị trôi dạt, sóng đánh hư hại. Anh cũng thường xuyên vệ sinh lưới lồng, treo túi vôi ở các góc lồng bè để phòng, chống dịch bệnh và ổn định môi trường nước.
Theo tìm hiểu, đến thời điểm này, người dân nuôi cá ở đây cũng đang tiến hành thu hoạch sớm các lồng cá có thể thu hoạch, tránh thất thoát khi xảy ra lũ trên sông.
Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh là gần 15.000 ha, tập trung tại các huyện Krông Pắc, Krông Ana, Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột… Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai như mưa giông, bão, lũ, thời tiết thay đổi cực đoan… gây bất lợi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Ông Trịnh Bá Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đắk Lắk cho biết, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực bởi thời tiết, khí hậu đối với sản xuất thủy sản, đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương về hoạt động nuôi trồng thủy sản, triển khai các biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất rủi ro trong mùa mưa bão. Đặc biệt, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai, lịch xả lũ, điều tiết nước của các hồ thủy lợi, nhà máy thủy điện để chủ động kế hoạch, phương án phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.
Anh Hoàng Tuấn Anh (thôn Quỳnh Tân 1, thị trấn Buôn Trấp) di chuyển lồng nuôi cá vào gần bờ và neo đậu chắc chắn để tránh mưa bão. |
Chi cục Thủy sản cũng khuyến cáo: đối với ao, đầm, người nuôi cần nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn; phát quang cành cây quanh bờ, gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở nuôi, bảo đảm an toàn khi mưa bão đến; thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai (lưới, đăng chắn, cọc tre, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi…).
Đối với lồng bè, vào thời điểm mưa nhiều, người nuôi cần gia cố lồng bè, neo đậu chắc chắn; tổ chức thu hoạch sớm thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát; xây dựng phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp. Trong trường hợp không di chuyển được lồng bè thì cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản thoát ra ngoài.
Còn sau mưa bão, người nuôi cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước; theo dõi, quản lý môi trường nước, sớm phát hiện những biến động và điều chỉnh các yếu tố môi trường về ngưỡng thích hợp. Cùng với đó bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tuyết Mai