09:14, 19/10/2023
Nhằm triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, đặc biệt trong mùa chim di cư hằng năm và hưởng ứng Ngày Quốc tế về chim di cư (14/10/2023), mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, triển khai một số nội dung liên quan góp phần bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Hiện nay, ở nước ta đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa. Việt Nam được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu.
Các vùng chim hoang dã, di cư như các Vườn quốc gia: Xuân Thủy (Nam Định), Tràm Chim (Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (Cà Mau)… đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng của Việt Nam.
Riêng khu vực Đông Dương có 49 loài chim đặc hữu thì Việt Nam đã có 33 loài; trong đó có 10 loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chuyên môn thì Việt Nam có 868 loài chim, trong đó 109 loài cần quan tâm bảo tồn, 11 loài cực kỳ nguy cấp, 19 loài nguy cấp, 28 loài sắp nguy cấp và 50 loài sắp bị đe dọa.
Đến nay, nhiều loài chim hoang dã, di cư đã được đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật như loài sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa, rẽ mỏ thìa…
Thủ tướng chỉ đạo cấp bách về bảo tồn chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam. (Ảnh minh họa). |
Các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền, phổ biến chỉ thị của Thủ tướng và văn bản pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.
Cơ quan thực thi pháp luật như: kiểm lâm, hải quan, quản lý thị trường, công an tăng cường công tác phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, các khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư.
Các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư.
Thế Hùng