08:58, 30/08/2023
Về lý thuyết, chính sách tài khóa là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tác động vào quy mô hoạt động kinh tế thông qua biện pháp thay đổi chi tiêu/hoặc thuế của chính phủ; chính sách tiền tệ là chính sách sử dụng các công cụ của hoạt động tín dụng và ngoại hối. Nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm mục tiêu ổn định nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
Với mục tiêu đó, thời gian qua, nhất là từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết thúc đẩy việc “nới lỏng” chính sách tài khóa, tiền tệ. Bên cạnh việc thực hiện cắt giảm nhiều sắc thuế, chỉ đạo ngành ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất… thì nổi bật nhất trong số những chính sách tài khóa của Chính phủ là thúc đẩy đầu tư công.
Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn huyện Cư Kuin. (Ảnh minh họa) |
Có thể thấy, chưa có giai đoạn nào, đầu tư công được quan tâm, đốc thúc mạnh mẽ như thời gian gần đây. Hàng loạt công trình được khởi công xây dựng, hàng loạt dự án giao thông, nhất là đường cao tốc được triển khai. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đã chuyển biến mạnh mẽ. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2023 đạt 35,49% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%).
Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ “mở”, sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành những chính sách này có thể xem là cơ hội rất tốt cho các địa phương, doanh nghiệp “bứt tốc” trong đó có Đắk Lắk và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh ở giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội đó, địa phương, doanh nghiệp cũng cần “bắt nhịp” được với tốc độ chung của chính sách. Thế nhưng dường như việc “bắt nhịp” của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp với những chính sách tài khóa, tiền tệ hiện nay vẫn còn “độ trễ” nhất định. Điều này thể hiện ở tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đã có những cải thiện nhất định, nhưng chưa đạt được yêu cầu như kỳ vọng; khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp không cao, mặc dù mặt bằng lãi suất đã xuống mức tương đối thấp trong vài năm trở lại đây. “Có tiền không tiêu được”, “vay tiền không biết để làm gì” và có vay cũng chủ yếu là ngắn hạn, tiếp cận với vốn trung và dài hạn còn khó khăn… chính là những vấn đề đặt ra trong câu chuyện tài khóa “mở”.
Do vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính vĩ mô, cần dài hạn hơn của Chính phủ, các bộ, ngành thì địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có những “động thái” quyết liệt hơn nữa để tận dụng cơ hội mà chính sách tài khóa “mở” đang đặt ra trước mắt trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt trong số đó là vấn đề giải ngân đầu tư công, vốn được xem là một trong ba trụ cột của tăng trưởng kinh tế.
Giang Nam