05:24, 03/12/2023
Xứ cờ hoa là cách gọi khác về đất nước Hoa Kỳ (Mỹ). Không ít người băn khoăn: cường quốc hàng đầu thế giới như nước Mỹ có nhiều người ăn xin không? Nghe bảo nước Mỹ giàu sao lại có nhiều người ăn xin?…
Bài viết này là những gì người viết nhìn thấy, nghe thấy ở Mỹ, có thể chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh của quốc gia rộng lớn này.
“Cái bang” trên đất Mỹ
Từ “cái bang” xuất xứ ở Trung Hoa, để chỉ bang hội của những người ăn mày. Tiếng Việt hiện đại có thêm nghĩa phái sinh để chỉ cụ thể những người ăn xin, ăn mày lang thang đầu đường cuối chợ. Ăn xin là một hiện tượng xã hội, có tính lịch sử và tùy theo mỗi quốc gia mà hình thành và phát triển, rồi cũng tùy quốc gia mà được phép hoặc bị cấm đoán, hoặc cấm đoán một số hành vi nhất định trong khi hành nghề. Ở Mỹ, cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới, giàu hay nghèo gì thì cũng có “lực lượng” ăn xin trên các nẻo đường.
Vì lẽ đó, tôi không ngạc nhiên khi đến Mỹ, nhất là ở những đô thị lớn thấy có người ăn xin. Ở bờ Đông, trừ thủ đô Washington D.C. ít thấy ăn xin, còn lại những thành phố lớn như Boston, nhất là trung tâm kinh tế – tài chính New York sầm uất thì người ăn xin dường như cũng theo đó mà phát triển. Ở vùng Trung, bờ Tây và phía bắc, các thành phố Philadelphia, Ohio, Las Vegas, Los Angeles… đều có người ăn xin.
Không có tổ chức nào thống kê cụ thể số lượng người ăn xin trên toàn nước Mỹ. Chỉ có thể ước đoán, mà con số ước đoán cũng không thể nào chính xác dù là tiệm cận. Tựu trung ăn xin ở Mỹ có ba thành phần chiếm ưu thế. Một, là dân vô gia cư (homeless) không có nghề nghiệp, thu nhập đành phải ra đường sống nhờ thiên hạ. Hai, có nhà cửa nhưng không có nghề nghiệp. Và ba, nhiều người có nhà cửa nhưng không thích làm việc, họ ưa… ra đường sống nhờ vào hảo tâm của mọi người.
Theo một thông tin từ Hiệp hội Người vô gia cư Mỹ thì năm 2021, chỉ riêng New York đã có số lượng người vô gia cư lên đến 2 vạn. Nền kinh tế Mỹ cũng rơi vào vòng suy thoái với kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 khiến người ăn xin ở Mỹ cũng gia tăng theo cấp số cộng. Nhìn ở góc độ này có thể thấy số lượng người ăn xin ở Mỹ cũng là câu chuyện bình thường, không quá ngạc nhiên như nhiều người thắc mắc: Nước Mỹ nghe bảo giàu sao lại có nhiều người xin ăn?
Người chơi nhạc ăn xin ở đường phố New York. |
Vì sao, “cái bang”?
Mỹ là quốc gia có chế độ an sinh xã hội tương đối tốt. Người nghèo, thất nghiệp đều được chính phủ hỗ trợ nhiều mặt như tiền lương thất nghiệp, giáo dục, y tế… Song, dù nỗ lực, chính phủ Mỹ cũng không thể giải quyết vấn nạn người ăn xin bởi nhiều thứ, trong đó khó giải quyết do gắn với tâm lý, đạo đức, nhân quyền.
Thứ nhất, lực lượng dân nhập cư lậu vào Mỹ ngày càng đông. Không riêng các quốc gia lân cận như Mexico mà nhiều quốc gia khác ở Trung Đông, châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Á, thậm chí cả châu Âu cũng vượt biên sang Mỹ tìm cách định cư. Giải quyết vấn nạn này, chính phủ Mỹ đã đề ra nhiều biện pháp như siết chặt kiểm soát biên giới, phát hiện và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp… Song, cho đến nay, làn sóng di cư này vẫn tiếp diễn. Và chính không ít trong số những người nhập cư bất hợp pháp, sau khi sang Mỹ do không có giấy tờ tùy thân, chưa xin được việc làm đành phải gia nhập đội quân “cái bang”.
Thứ hai, tôi đã tìm hiểu và được nhiều người cho biết: Kha khá ăn xin ở Mỹ không phải vì họ nghèo mà bởi họ… không thích làm việc, thích tự do. Ăn xin với họ cũng là một nghề, thậm chí họ xem đó là nghề lương thiện. Nhiều người, kể cả khi chính phủ và chính quyền bang đưa vào nơi ăn ở được trợ cấp, họ vẫn tìm cách thoát ra ngoài, tiếp tục cuộc sống màn trời chiếu đất.
Thứ ba, nhiều người vẫn hưởng tiền trợ cấp của chính phủ, chính quyền bang nhưng số tiền đó chỉ đủ cho mức sống tối thiểu. Trong khi họ cần những thứ khác, ví như bia rượu, cần sa (nhiều bang cho phép hút cần sa, còn gọi là cỏ Mỹ). Để có tiền dùng vào nhu cầu cá nhân như thế, họ biến mình thành người ăn xin tự nguyện.
Và cuối cùng, chiếm tỷ lệ ít nhưng có, là những người xem công việc ăn xin như thú vui, trải nghiệm và du lịch miễn phí. Đó là những người có khả năng chơi nhạc, hát, ký họa, làm đồ chơi thủ công tại chỗ… Họ ra đứng đường, vừa được gặp, trò chuyện với du khách, vừa thỏa mãn niềm vui biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật và có tiền… để sống.
Phụ nữ lớn tuổi (từng là vũ nữ thoát y) ăn xin ở Las Vegas. |
Ăn xin phong cách… Mỹ
Trừ một vài nơi tôi nhìn thấy, như ở ga tàu điện ngầm tại thành phố Philadelphia, trạm xe bus ở phía tây thành phố Los Angeles… có những người ăn xin biểu hiện bất thường do say vì hút cỏ Mỹ. Họ lảm nhảm và múa may quay cuồng một mình trong góc công viên. Còn lại, tuyệt đại đa số người ăn xin ở Mỹ không mở lời ỉ eo, hoặc đeo bám dai dẳng người qua đường. Họ đứng hoặc ngồi yên một chỗ, trên cổ đeo hoặc trước mặt dựng một tấm bảng có đề dòng chữ ngắn. Đại loại như: “Cầu bình an cho mọi người! Chúa sẽ thương yêu bạn!”… Có những câu viết trên bảng gây chú ý đến du khách như một người ăn xin tôi gặp ở thành phố Boston, gần Đại học Harvard nổi tiếng với tấm bảng ghi: “Tôi ăn mặc rất lịch sự. Xin bạn chú ý giùm”. Hay như hôm ở thành phố cờ bạc Las Vegas, tôi đã gặp một phụ nữ lớn tuổi để trần cả nửa phần thân trên, sau lưng có tấm bảng ghi nội dung giới thiệu bản thân từng là vũ nữ thoát y, nay lớn tuổi, xin cứu giúp.
Nhiều người ăn xin rất thân thiện với du khách. Có hai lần tôi gặp, một lần cũng ở thành phố Boston và lần khác ở đại lộ danh vọng của thành phố Los Angeles. Thấy trong túi áo tôi có gói thuốc lá T.L, hai người ăn xin cười cười rồi hỏi tôi từ đâu đến. Khi nghe tôi trả lời, đến từ Việt Nam, họ ồ lên và nhã nhặn ngỏ ý, nếu tôi không phiền lòng có thể cho họ hút thử thuốc lá Việt Nam. Tôi vui vẻ mời, họ cảm ơn và không khách sáo dùng luôn tại chỗ.
Tôi cũng đã hỏi một vài cảnh sát Mỹ về những người ăn xin. Mấy viên cảnh sát đều nhún vai trả lời, đại ý đó là chuyện bình thường. Người ta có quyền làm việc đó, miễn không ảnh hưởng đến ai. Nếu có ảnh hưởng và nằm trong luật định không được phép thì sẽ có chế tài dành cho họ, như mọi đối tượng khác trong xã hội.
Vậy đó, câu chuyện ăn xin ở xứ cờ hoa thì cũng là chuyện bình thường. Người ta hay nói đến câu chuyện này như một minh chứng cho sự giàu nghèo ở mỗi quốc gia, xứ sở. Theo tôi, ăn xin là một hiện tượng xã hội, ở đâu cũng có, chỉ khác ở số lượng, mức độ; và cũng khác nhau tùy theo văn hóa, văn minh, luật pháp mỗi nơi.
Phạm Xuân Hùng