08:26, 28/12/2023
Không phải ngẫu nhiên mà trong các văn bản quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đô thị gần đây của tỉnh Đắk Lắk, vấn đề xác lập bản sắc đô thị Buôn Ma Thuột được đặt ra như mục tiêu hàng đầu. Vậy bản sắc đô thị là gì và bản sắc của đô thị này được nhận diện ra sao?
Trong hệ thống đô thị vùng cao Việt Nam, Buôn Ma Thuột chiếm một vị trí nổi bật và khoảng hai thập niên gần đây, dựa trên tài nguyên sẵn có, cộng với sự tác động của các chính sách đổi mới trong nước cũng như xu thế toàn cầu hóa, Buôn Ma Thuột từng bước vươn lên trở thành đô thị hạt nhân của vùng Tây Nguyên.
Thành phố này được đánh giá là năng động nhất vùng Tây Nguyên, đến nay đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Theo số liệu của UBND TP. Buôn Ma Thuột, trong mười năm qua, mức tăng trưởng kinh tế hằng năm ở đây luôn ở mức trên 12%, trong đó tỷ trọng trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp giảm dần và công nghiệp, xây dựng cũng như thương mại, dịch vụ không ngừng tăng lên qua mỗi năm.
Thành tựu kinh tế đạt được ấy đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, xã hội của địa phương từ hạ tầng kỹ thuật, giao thông, giáo dục, y tế, nước sạch đến xóa đói giảm nghèo… đều có bước chuyển biến tích cực và ấn tượng.
Buôn Ma Thuột đang hướng đến là một đô thị bản sắc, văn minh, hiện đại. (Trong ảnh: Một góc trung tâm TP. Buôn Ma Thuột.) Ảnh: Hoàng Gia |
Tuy nhiên, dù đã đạt thành tựu trên nhiều mặt nhưng có một thực tế rằng Buôn Ma Thuột đang yếu về việc xác lập bản sắc đô thị. Theo định nghĩa của nhà nghiên cứu quy hoạch, phát triển đô thị người Anh Edward Relph về “Bản sắc của một nơi chốn” thì bản sắc đô thị là những đặc điểm nội tại, nổi trội và đặc sắc của một thành phố, có thể nhận biết và cảm nhận được bởi số đông, giúp chúng ta phân biệt được đô thị này với đô thị khác. Những gì thuộc về bản sắc phải là những điểm chung nhất, được số đông đồng cảm và ghi nhận. Bản sắc của một đô thị được tạo nên bởi ba thành tố quan trọng: Không gian sống và cảnh quan, môi trường; văn hóa của các nhóm người hay của cộng đồng sống trong không gian ấy; ý nghĩa và cảm nhận mà con người gán cho không gian đó, bởi sự cảm nghiệm càng mạnh mẽ, sâu sắc thì bản sắc đô thị càng nổi bật.
Từ quan điểm của Edward Relph, thử nhận diện bản sắc đô thị qua ba thành tố trên để thấy được điểm mạnh – yếu của Buôn Ma Thuột như thế nào? Về không gian tự nhiên, quá trình đô thị hóa đã phá vỡ hệ sinh thái vốn có ở đây. Điều đó dễ nhận biết qua diện tích rừng trên đà suy giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh thái, nhất là dòng chảy tự nhiên của hầu hết sông suối trên địa bàn, làm gia tăng rủi ro về thiên tai (như lũ lụt, hạn hán) xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong vòng một thập niên qua, hạn hán thực sự là một vấn nạn đối với cư dân trên địa bàn, đặc biệt là những nông hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp (cà phê, tiêu, bơ mít, sầu riêng và nhiều loại cây trồng khác). Tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất canh tác cũng là thách thức đặt ra. Với lịch canh tác dày đặc, không cho đất nghỉ ngơi, cùng với thói quen sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có dư lượng độc hại cao đã khiến đất đai trở nên cằn cỗi, bạc màu.
Du khách tham quan Bảo tàng Thế giới Cà phê. Ảnh: Hoàng Gia |
“Bản sắc đô thị chưa đủ mạnh, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến sức hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch và cả sức hút nhân lực chất lượng cao đến Buôn Ma Thuột phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên” – Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật.
|
Mức độ thanh bình ở đô thị này cũng ngày càng trở nên suy giảm, không chỉ ở những khu vực trung tâm, mà tại nhiều buôn làng trong phố cũng trong tình trạng tương tự. Đơn cử như buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) vốn có cảnh quan thiên nhiên mát lành, hiện đang đối mặt với tiếng ồn, khói bụi, rác thải… do nhiều dịch vụ, du lịch (nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, tiệm tạp hóa, cửa hàng thủ công mỹ nghệ) mở ra. Mặt khác, sự xuất hiện ồ ạt của các loại hình kiến trúc mới đã phá vỡ cảnh quan, sinh hoạt văn hóa của buôn làng truyền thống – một trong những chủ thể quan trọng trong lịch sử phát triển của vùng đất Buôn Ma Thuột. Thêm nữa, các không gian sinh hoạt cộng đồng, thực hành văn hóa tộc người tại chỗ cũng dần bị thu hẹp để nhường chỗ cho những không gian mới với vai trò và chức năng mới.
Một “thước đo” khác để đánh giá sức hút của Buôn Ma Thuột là khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo Báo cáo nghiên cứu chiến lược phát triển tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột (do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA thực hiện, giai đoạn 2018 – 2022) thì tổng đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của thành phố tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, bình quân tăng hằng năm khoảng 43,4%. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Buôn Ma Thuột không nhiều, chủ yếu đầu tư hộ gia đình, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chiếm tới 76% tổng mức đầu tư. Thực tế đó cho thấy chỉ dựa vào các khoản đầu tư nội địa sẽ hạn chế cơ hội tăng trưởng bứt phá của thành phố. Hơn thế, qua đó chỉ ra rằng trong con mắt của nhà đầu tư bên ngoài, sức hấp dẫn của Buôn Ma Thuột chưa nhiều.
Sản xuất thép ở Khu Công nghiệp Hòa Phú. Ảnh: Hoàng Gia |
Như vậy, nếu nhìn trên các phương diện của bản sắc đô thị thì có thể thấy đô thị này đang thiếu bản sắc đủ mạnh để tạo nên sức hút và động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật, việc xác lập các giá trị cốt lõi để từng bước định hình nên bản sắc đô thị Buôn Ma Thuột là mục tiêu theo đuổi của chính quyền địa phương trong nhiều năm qua cũng như thời gian tới.
Đình Đối