Chiều 22/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến tham vấn ý kiến Bộ, ngành, địa phương về dự thảo báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế đặc thù vùng Tây Nguyên. Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị.
Đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị-Ảnh chụp màn hình
Dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở, ngành, địa phương liên quan.
Hội nghị tập trung cho ý kiến vào các nhóm chính sách thuộc 4 ngành lĩnh vực gồm: Phát triển hạ tầng giao thông kết nối; quản lý, phát triển rừng, nguồn nước; an sinh – xã hội; y tế, giáo dục – đào tạo nhằm đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách mới đáp ứng các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Tham gia ý kiến vào báo cáo, các Bộ, ngành, địa phương thống nhất với đề xuất nhóm chính sách thuộc 4 ngành lĩnh vực. Việc ban hành chính sách mới đã làm rõ đối tượng, địa bàn, nội dung, định mức cũng như mục tiêu cụ thể đối với từng nhóm chính sách. Cơ chế chính sách ban hành sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng, tạo điều kiện phát huy tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế đi kèm quốc phòng an ninh…
Đồng chí Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng Tây Nguyên cũng đề xuất trung ương quan tâm bố trí nguồn lực giao thông chiến lược kết nối nội vùng, mở rộng cảng hàng không, y tế -giáo dục; điều chỉnh, tăng hệ số phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, ban hành Nghị quyết quy định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, xây dựng chính sách đặc thù về ưu đãi thuế; nâng định mức đầu tư trồng rừng phòng bộ, đặc dụng, rừng sản xuất; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân; tăng thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức về chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia nhà khoa học thuộc các tỉnh vùng Tây Nguyên; hỗ trợ kinh phí đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, buôn, tổ dân phố; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nguyên liệu; phát triển ngành công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo,….
UBND tỉnh Gia Lai tham gia ý kiến đề xuất bổ sung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trên cơ sở đề xuất của Bộ, ngành và địa phương, Bộ KH&ĐT triển khai rà soát các nhóm chính sách thuộc 4 ngành lĩnh vực. Đây là nhóm chính sách quan trọng đối với phát triển kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nội dung rà soát đã tập trung làm rõ sự cần thiết đề xuất ban hành chính sách mới hoặc tính hiệu quả của các chính sách hiện hành, đối tượng, địa bàn, nội dung, định mức cũng như mục tiêu cụ thể của từng nhóm chính sách tới địa bàn các địa phương của vùng.
Khu vực Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Đơn vị soạn thảo cần rà soát lại lại các văn bản của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về Tây Nguyên để cập nhật cụ thể hóa cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực, tập trung bố trí nguồn lực thực hiện đảm bảo nhất quán và hiệu lực, hiệu quả chính sách.
Bên cạnh đó, Tây Nguyên là địa bàn có đặc thù riêng, do đó, cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương qua đó đánh giá tác động cụ thể, toàn diện của chính sách đến vùng, liên vùng, trước khi hoàn chỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các tỉnh, Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo xây dựng cơ chế đặc thù vùng Tây Nguyên dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2024. Mục tiêu hướng đến tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo đột phá trong phát triển nhằm khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập trong thực trạng phát triển vùng để đạt được mục tiêu phát triển kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiên Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất 15 chính sách đặc thù (trong đó 05 chính sách về lâm nghiệp, 02 chính sách về công nghiệp, 01 chính sách về xây dựng nông thôn mới, 01 chính sách về phát triển nguồn nhân lực, 02 chính sách về nội vụ, 01 chính sách về du lịch, 03 chính sách về đầu tư) và qua rà soát, nghiên cứu các chính sách đặc thù do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, dự thảo gửi kèm theo Công văn số 74/BKHĐT-KTĐPLT ngày 19/3/2024, các chính sách này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm tổng hợp vào danh mục đề xuất. Ngoài các chính sách nêu trên, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan rà soát các chính sách đặc thù của các địa phương, các vùng khác đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua và đang triển khai thực hiện có hiệu quả, có thể phù hợp áp dụng cho vùng Tây Nguyên, thì hướng dẫn, cùng các địa phương trong vùng nghiên cứu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho áp dụng thực hiện tại vùng Tây Nguyên, nhằm sớm vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng. Sau khi các chính sách được cấp có thẩm quyền thông qua, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng sớm triển khai thực hiện các chính sách, đưa các chính sách ưu tiên đi vào đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị vùng Tây Nguyên. |