05:25, 03/12/2023
Từ việc nhiều ngư dân TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) quét lưới được một số đồ gốm dưới đáy biển Cù Lao Chàm mang về bán cho các quầy hàng lưu niệm vào năm 1993 đã hé lộ ra đó là những cổ vật quý hiếm nằm sâu trong lòng đại dương.
Qua lời kể của những người giăng lưới bắt được cổ vật, các cơ quan chức năng nhận định rất nhiều khả năng có một con tàu chở đồ gốm nào đó bị đắm tại vùng biển này từ lâu đời.
Được sự đồng ý của Chính phủ, một ban chỉ đạo khảo sát, thăm dò và khai quật cổ vật của Trung ương được thành lập. Liên hiệp trục vớt cứu hộ Việt Nam (Visal) đã phối hợp với Trung tâm khảo cổ học dưới nước Đại học Oxtord (Anh), Công ty Saga, Malaysia triển khai công việc.
Từ tháng 8/1997 đến tháng 7/1999 đã triển khai ba đợt khảo sát và ba đợt khai quật cổ vật. Qua lặn khảo sát đã phát hiện ra tại khu vực đáy biển sâu 70 m ở tọa độ 1606 “30” vĩ tuyến bắc, 108027’ kinh tuyến đông, ngoài khơi cách đảo Cù Lao Chàm chừng 20 km về phía đông có một đụn cát dài chừng 30 m, cao 2 – 3 m.
Tiến hành hút đụn cát này thì phát hiện ra hình dáng một con tàu gỗ nằm theo hướng đông – tây và nghiêng lệch thân tàu từ phía bắc xuống phía nam, bị hà biển bu bám, phá hủy nhiều, chứng tỏ con tàu đã nằm ở đây từ rất lâu. Đo đạc cho thấy, thân tàu dài 29,4 m, nơi rộng nhất 7,2 m, trong lòng tàu có 19 khoang chứa nhiều đồ gốm men, sành sứ, đồ gỗ, đồ kim loại.
Hai đợt khai quật đầu chủ yếu nạo hút bùn cát, dọn sạch khu vực con tàu bị đắm chìm, xử lý các phương án bảo vệ hiện trường kết hợp với khai thác cổ vật. Sang đợt thứ ba, việc khai quật được tiến hành quy mô nhất về phương tiện, con người. Qua kiểm đếm các đợt khai quật đã thu về hơn 240.000 hiện vật còn nguyên vẹn cùng với 5 xe tải mảnh sành sứ bị vỡ. Ngoài cổ vật bằng gốm, sành sứ, còn thu giữ thêm một số chảo, nồi, ấm đồng, 41 đồng tiền cổ, 1 chiếc nhẫn bằng vàng mặt gắn đá rubi và 11 di cốt người cùng một số hạt nhãn, gấc, óc chó, hạt dẻ.
Gốm sứ cổ Chu Đậu được khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm. Ảnh tư liệu |
Hầu hết các cổ vật là gốm men, loại hình đa dạng, phong phú, hoa lam, tô vẽ nhiều màu sắc, men xanh ngọc, xanh dương, trắng. Hoa văn trên gốm chủ yếu về các đề tài con người, động vật, đền đài và các kiến trúc khác. Loại cổ vật lớn nhất là 46,2 cm, loại cao nhất 56,8 cm, loại nhỏ nhất cao 2,7 cm… Các cơ quan chức năng giám định kết luận: hầu hết các cổ vật là gốm sứ Chu Đậu của Đại Việt (Việt Nam) sản xuất vào thế kỷ 15, số ít còn lại là của Trung Quốc, Thái Lan, Chămpa cũng ra đời vào thời gian này. Trong 41 đồng tiền cổ, có 24 đồng được xác định vào thời Vĩnh Lạc, nhà Minh, Trung Quốc, thế kỷ 15. Mảnh gỗ thân tàu được Viện Lâm nghiệp Việt Nam phân tích là gỗ tếch, chuyên dùng để đóng tàu thuyền. Các loại chảo, ấm, nồi đồng ở phần đuôi con tàu có nhiều khả năng đây là đồ dùng của những thủy thủ trên con tàu này. Trong 11 di cốt người được Tiến sĩ nhân chủng học Nguyễn Lân Cường giám định thì có 6 cá thể là người trưởng thành, 3 thiếu niên, 2 em bé. Đáng chú ý, trong 6 người trưởng thành có 1 hộp sọ được xác định là phụ nữ khoảng 18, 19 tuổi có đặc điểm nhân chủng gần với sọ của phụ nữ Thái Lan.
Với những kết quả giám định, các nhà nghiên cứu, khảo cổ học bước đầu đã có nhận định loại gỗ tếch chỉ có ở các nước Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và Lào. Đây là một con tàu có nhiều nét tương đồng với loại tàu gỗ của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á từ thế kỷ 15 – 18. Có thể con tàu này được đóng tại Thái Lan bởi qua nghiên cứu, vào thế kỷ 15 – 16, ngành thương mại của Thái Lan phát triển rất mạnh nên việc giao lưu, buôn bán được mở rộng với các nước trong khu vực. Từ thế kỷ 15 – 18, vùng Chantaburi, Thái Lan đóng rất nhiều tàu buôn bằng gỗ tếch. Hơn nữa, hộp sọ người phụ nữ trên tàu phù hợp với nhân chủng phụ nữ Thái Lan nên rất nhiều khả năng chủ nhân của con tàu này là người Thái Lan. Phân tích mẫu gỗ từ thân tàu đắm bằng carbon phóng xạ (14C) thì con tàu này đóng vào thế kỷ 14 – 16. Cũng qua giám định các mẫu quả nhãn, gấc, hạt dẻ thì các loại quả này ở Việt Nam thường được thu hoạch vào cuối mùa hè, đầu mùa thu, riêng hạt dẻ gai có nhiều ở tỉnh Bắc Giang. Có thể con tàu buôn này khởi hành từ Thái Lan đến cảng Vân Đồn, Quảng Ninh, Việt Nam vào mùa xuân, sau một thời gian bán hàng rồi mua đồ gốm sứ Chu Đậu trở về vào đầu mùa thu. Khi tàu chạy ngang qua vùng biển Cù Lao Chàm gặp thời tiết xấu nên bị đắm chìm…
Nhận định tại khu vực xung quanh con tàu đắm sẽ còn cổ vật nên từ năm 2005 – 2007, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Sở Văn hóa – Thông tin phối hợp với Công ty TNHH trục vớt, cứu hộ Đoàn Ánh Dương tiếp tục tổ chức lặn khảo sát và khai thác vét trở lại. Kết quả thật bất ngờ là qua hai đợt khai quật vét đã thu về hơn 16.000 hiện vật tương tự, một minh chứng con tàu này có tải trọng khá lớn.
Thái Mỹ