08:31, 07/01/2024
Cuộc thi văn xuôi với chủ đề “Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk – Những chặng đường phát triển” do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức mới đây đã thu hút sự tham gia của nhiều cây bút địa phương, bạn viết các tỉnh thành trong cả nước.
Có thể nói đây là chủ đề mở cho các tác giả thỏa sức sáng tạo, phản ánh cho các thể loại truyện ngắn, bút ký, tản văn, tùy bút.
Mỗi tác phẩm gửi đến đều như gửi gắm tâm sự, bày tỏ tâm huyết, ý chí nghị lực con người từ khởi đầu hình thành vùng đất; giai đoạn cách mạng kháng chiến, những đóng góp và hy sinh to lớn của đồng bào, đồng chí qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ oanh liệt. Cả những người hôm nay đang chung tay xây dựng một Đắk Lắk vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ mới…
Có thể nhận thấy, các tác phẩm viết ra đều xuất phát từ tình cảm yêu mến, tự hào của mỗi người với vùng quê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Cả phản ánh những số phận, cảnh đời va vấp, với những mất mát, đau buồn, hoặc sai lầm phải trả giá, hay mặc cảm tội lỗi, ân hận của nhân vật trong truyện, hay bút ký đều như chuyển tới bạn đọc thông điệp về chia sẻ, cảm thông với những phận người không may mắn, bất hạnh, bị vùi dập, khổ đau, lầm lạc… Một số truyện đọc thấy viết như “chơi”, ngôn ngữ thanh thoát như sẵn có, được chuyển tiếp sang hành động, mâu thuẫn, xung đột khác một cách sinh động, uyển chuyển, gây hiệu quả cuốn hút và thẩm mỹ. Cảm xúc người viết được truyền sang bạn đọc, khiến người đọc không rời khỏi được trang viết.
Các tác giả có tác phẩm xuất sắc được trao giải tại Cuộc thi. Ảnh: Mai Sao |
Bên cạnh những vấn đề lớn, các tác phẩm cũng đề cập tới những câu chuyện bình dị, mà ấn tượng; khơi dậy tình cảm yêu mến về thành phố cao nguyên. Qua những bút ký, tản văn, tùy bút, người đọc như được trở lại ký ức với món ăn “bún đỏ” một đặc sản duy nhất có ở Buôn Ma Thuột; những quán cà phê bên hè thơm hương vị đặc trưng cao nguyên; hay như “Ngã ba bùng binh” xưa, sau bao lần thay hình đổi tên nay gọi “Ngã Sáu” đã gắn với tuổi thơ bao thế hệ; những ngôi nhà cổ bên con đường cũ gợi nhớ bâng khuâng. Trên hết đã mang đến cho bạn đọc những hoài niệm, suy tưởng quá vãng mà thấy yêu hơn một Buôn Ma Thuột thơ mộng; thấy như gắn bó hơn, và ước trở về thăm lại như mong trở về với cố nhân dù chỉ là khách phương xa lần đầu đến rồi chia xa…
Bên cạnh một số tác phẩm chạm tới mong đợi của bạn đọc, không ít các phẩm vẫn còn sơ sài, chưa hoàn chỉnh. Đâu đó một số truyện, bài viết còn có bóng dáng của lý trí áp đặt thành ra khiên cưỡng, tác phẩm có tứ mà thô cứng rời rạc, có chữ mà thiếu vắng cảm xúc. Đã ra hình dáng một truyện tiềm năng, nhưng hình như chưa đủ “độ chín”. Tuy nhiên không thể cầu toàn, viết được thế đã là quý lắm. Biết đâu, vẫn trên nền đó nếu có thể viết lại sẽ khác, sẽ hay hơn. Hy vọng tác giả không từ bỏ.
Trên hết, cuộc thi đã làm được việc lớn. Một cuộc ra quân mạnh mẽ của các văn nghệ sĩ với khát vọng được đóng góp một phần công sức vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột hôm nay. Cuộc ra quân không chỉ mục đích kiểm đếm thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của vùng đất tiềm năng, còn là thể hiện sự đóng góp của các lực lượng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, thông qua tác phẩm văn học phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế xã hội tỉnh.
Bao nhiêu tác phẩm gửi đến là bấy nhiêu nỗi niềm yêu thương, buồn vui, cả những hy vọng về một Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trong tương lai phồn vinh và tươi đẹp.
Nhà văn Cao Duy Sơn
Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam