08:26, 20/12/2023
Giá cà phê niên vụ 2023 – 2024 đang ở mức cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến, xuất khẩu mặt hàng này. Trước tình hình đó, hệ thống ngân hàng đã triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn tín dụng cho ngành cà phê làm nhằm giảm áp lực tài chính cho DN trong thời điểm mùa vụ.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện những giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là trồng, chăm sóc, chế biến, xuất khẩu cà phê và các mặt hàng nông sản. Trong niên vụ 2022 – 2023, tại Đắk Lắk, các ngân hàng đã giải ngân cho mục đích trồng mới, chăm sóc, thu mua, xuất khẩu cà phê, với tổng số vốn 24.017 tỷ đồng, tăng hơn 15,7% so với niên vụ trước đó. Đến nay, dư nợ cho vay cà phê đạt 19.339 tỷ đồng, chiếm hơn 13,6% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, với 115.544 khách hàng còn dư nợ.
Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch cà phê. |
Sản xuất, kinh doanh cà phê mang tính mùa vụ, do đó, trước khi vào niên vụ mới thì nguồn tài chính là vấn đề được các DN quan tâm nhất. Năm nay, nhiều DN gặp khó khăn, trong khi giá cà phê nguyên liệu cao nên áp lực nguồn tiền đối với những nhà thu mua, xuất khẩu càng lớn hơn. Theo đại diện một DN đã hoạt động nhiều năm trong ngành cà phê, vào mùa thu hoạch cà phê, đa phần người dân muốn bán sản phẩm để trang trải chi phí đầu tư và mua sắm tết, DN cũng muốn mua hàng nhằm phục vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Vốn có sẵn của DN không nhiều, trong khi việc thu mua cà phê phần lớn diễn ra trong một giai đoạn ngắn những tháng cuối năm cũ và đầu năm mới, nếu không vay được vốn ngân hàng thì rất khó xoay xở.
Phát biểu tại Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên tổ chức vào tháng 10/2023, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, khi vào mùa vụ, DN rất cần hỗ trợ vốn một cách nhanh chóng, kịp thời. Bởi vậy, các ngân hàng thương mại cần tính toán hiệu quả thị trường tiêu thụ, nắm bắt nhu cầu vốn của DN để đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành, hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng để có giải pháp hỗ trợ người dân, DN tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. “Nếu không tiếp cận được nguồn tín dụng nhanh và thuận lợi nhất, thì khi vào chính vụ, DN cà phê sẽ mất cơ hội trong việc thu mua nguồn nguyên liệu và thất thế so với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn có tiềm lực tài chính mạnh”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực cà phê của người dân và DN trong niên vụ 2023 – 2024, NHNN Chi nhánh Đắk Lắk đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn, ưu tiên hạn mức tín dụng được giao đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, đặc biệt là vào thời gian cao điểm (tháng 11 – 12/2023 và tháng 1 – 2/2024); tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018 của Chính phủ; tạo điều kiện cho hợp tác xã, DN, hộ gia đình tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư tái canh cà phê, đầu tư máy móc, thiết bị chế biến, hệ thống xử lý nước thải… Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay thuộc một số ngành, trong đó có ngành cà phê theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, ngày 20/5/2022 của NHNN.
Sản phẩm cà phê chất lượng cao của một hợp tác xã trên địa bàn xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo). |
Trong niên vụ 2023 – 2024, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cam kết đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN, người dân sản xuất, kinh doanh cà phê. Trước mắt, nguồn vốn cho vay khoảng 7.500 tỷ đồng; sau khi được hội sở chính phân bổ thêm nguồn vốn hoạt động, các đơn vị sẽ tiếp tục cân đối để ưu tiên cho vay đối với lĩnh vực cà phê.
Có thể nói, với sự chuẩn bị này của ngành ngân hàng, nguồn cung tín dụng cho vay cà phê sẽ đáp ứng nhu cầu của các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê. Để dễ dàng tiếp cận vốn vay, các DN cà phê cần bảo đảm công khai, minh bạch trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tài chính; đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động, đa dạng thị trường tiêu thụ nhằm xây dựng phương án trả nợ hiệu quả.
Minh Chi