Chiều 4/7, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt. 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số cấp huyện. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành của tỉnh và địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Toàn tỉnh đã thành lập 1.163 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố với 7.228 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trương Hoài Anh phát biểu tại hội nghị.
UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành tương đối đầy đủ hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chuyển đổi số và quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số.
Hiện nay, 100% các cơ quan Nhà nước các cấp của tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 96%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 770.509 văn bản điện tử trao đổi công việc giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh; ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; có 1.683 thủ tục hành chính được cập nhật vào cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 1.019 dịch vụ công cung cấp trực tuyến. Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/6/2024, có 6.189 giao dịch thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh có phí, lệ phí với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng, trong đó giao dịch thành công hơn 15 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lưu Tiến Quang phát biểu tham luận tại hội nghị.
Kinh tế số bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 1.715 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; có 42.933 giao dịch thành công, đứng thứ 5 toàn quốc; số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 259.652 hộ, đạt 43%. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số thời gian qua còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: việc phát triển hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ ứng dụng chuyển đổi số tại một số sở, ngành, cấp huyện, cấp xã xuống cấp, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến việc triển khai các nền tảng số phục vụ quản lý và điều hành; đội ngũ nhân lực về chuyển đổi số ở cấp huyện, cấp xã và trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu và yếu; công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đã đề ra trong năm 2024, đảm bảo đúng chất lượng, tiến độ; đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, nhất là các ngành kinh tế trọng điểm; thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục triển khai chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, đặc biệt là việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục tăng cường xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử; tăng cường hoạt động hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh; đẩy mạnh việc sử dụng các nền tảng học trực tuyến mở đại trà với các khóa học về chuyển đổi số…
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/ban-chi-ao-chuyen-oi-so-tinh-ak-lak-so-ket-hoat-ong-6-thang-au-nam-2024