Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050:
09:07, 15/01/2024
Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1747/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk).
Báo Đắk Lắk xin giới thiệu tóm tắt về quy hoạch này.
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk có phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Lắk, quy mô hơn 13.070 km2, gồm 15 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện.
Mục tiêu tổng quát phát triển tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030: Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc; tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; TP. Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế. Tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quy hoạch đề ra những mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực, trong đó về kinh tế: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm thời kỳ 2021 – 2030 là 11%/năm; tỷ trọng kinh tế số đạt 20%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng… Về xã hội: giảm tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) hằng năm 1,5 – 2%; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 0,81%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động hoạt động kinh tế còn khoảng 52%… Về môi trường: tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 – 44%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%…
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống. Người dân Đắk Lắk văn minh, thân thiện, hội nhập. Đến năm 2050, tỉnh có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn; quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng hàng đầu cả nước; phát triển xứng tầm các chức năng ở nhiều cấp độ vùng Tây Nguyên, quốc gia, quốc tế. TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm: Cơ cấu lại các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; Phát triển mạng lưới đô thị; Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Tăng cường kết nối liên vùng, liên tỉnh và 5 đột phá phát triển, gồm: Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; Kết nối hệ thống giao thông; Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục, đào tạo và y tế; Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk nêu rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng như: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hộ, an ninh – quốc phòng.
Ngã Sáu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. |
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo cấu trúc không gian “một trọng điểm – ba cực – ba hành lang – ba tiểu vùng”. Trong đó, một trọng điểm là TP. Buôn Ma Thuột và phụ cận. Ba cực phát triển: thị xã Buôn Hồ, thị xã Ea Kar, thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo) và phụ cận. Ba hành lang động lực gồm: hành lang kinh tế tổng hợp (Quốc lộ 14), hành lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ và du lịch (Quốc lộ 29); hành lang phía Đông (Quốc lộ 26 và đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột). Ba tiểu vùng gồm: Tiểu vùng Trung tâm gồm TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana và Buôn Đôn; Tiểu vùng phía Bắc gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk; Tiểu vùng phía Đông Nam gồm các huyện: Ea Kar, M’Drắk, Krông Bông, Lắk.
Phương án phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh có 31 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh; 1 đô thị loại III; 6 đô thị loại IV; 23 đô thị loại V. Đồng thời, chủ động rà soát, tổ chức sắp xếp lại dân cư ở khu vực nông thôn, bảo đảm bền vững, định cư lâu dài, giảm thiểu những thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai gây ra.
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra những phương án phát triển các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển hạ tầng xã hội; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về danh mục dự án ưu tiên thực hiện gồm: dự án trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
Về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, có 6 giải pháp, nguồn lực gồm: huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; môi trường, khoa học, công nghệ; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Khả Lê (tổng hợp)