08:13, 04/01/2024
Nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Ấn Độ và DN trên địa bàn tỉnh có thể hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực, thời gian qua, chính quyền tỉnh Đắk Lắk và một số cơ quan, đơn vị ở Ấn Độ đã có những cái “bắt tay” và hứa hẹn trong thúc đẩy hợp tác đầu tư.
Kết mối duyên lành
Là một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên tại Đắk Lắk, Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Cà phê Ngon được UBND tỉnh cấp Chứng nhận đầu tư từ năm 2009. Dự án có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, với 100% vốn đầu tư từ DN Ấn Độ.
Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Cà phê Ngon có công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm, thuộc Công ty TNHH Cà phê Ngon – một trong bốn công ty thuộc Tập đoàn CCL Products sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam.
Được thực hiện tại Cụm công nghiệp Cư Kuin (huyện Cư Kuin), dự án đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 1 triệu USD/năm. Đây được xem là một trong những dự án FDI hiệu quả và có sức lan tỏa nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng như toàn khu vực Tây Nguyên.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê (từ hai từ trái sang) thăm Nhà máy Cà phê Ngon tại Cụm công nghiệp Cư Kuin (huyện Cư Kuin). |
Theo ông Shyam Sunder, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Ngon, công ty đã đầu tư vào Đắk Lắk từ năm 2009 và nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền tỉnh cũng như các sở, ban, ngành và địa phương mà đơn vị đứng chân. Vì thế, DN đã có rất nhiều lợi ích từ việc đầu tư này. Trong tương lai, tỉnh sẽ phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng và được kết nối với các tuyến quốc lộ, đặc biệt là cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột sẽ tạo điều kiện rất lớn cho các DN. Chính vì vậy, phía DN rất lạc quan và sẽ tiếp tục thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh.
“Sắp tới, UBND tỉnh sẽ phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị DN và đầu tư Ấn Độ – Các tỉnh Tây Nguyên để mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn nữa” – ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho biết, hiện nay, nhiều DN của Đắk Lắk cũng đang rất quan tâm đến thị trường Ấn Độ. Trong tháng 11/2023 vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk đã đến làm việc tại Thủ đô New Dehli và bang Kerala của Ấn Độ. Chuyến đi đã diễn ra thành công và mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho cả hai bên. Trong khuôn khổ chuyến công tác, các DN của tỉnh Đắk Lắk đã ký kết 14 bản ghi nhớ hợp tác với đối tác Ấn Độ trong các lĩnh vực: xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Ấn Độ, phối hợp triển khai mô hình du lịch sầu riêng và thúc đẩy du lịch hai chiều giữa tỉnh Đắk Lắk và bang Kerala.
Chính dự án mà DN Ấn Độ đã triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh và những bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN Đắk Lắk với đối tác Ấn Độ là minh chứng rõ nét nhất cho “mối duyên lành” trong hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Nhiều cơ hội hợp tác đầu tư
Ngay sau chuyến làm việc tại Ấn Độ, cuối tháng 11/2023, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình gặp gỡ DN tỉnh Đắk Lắk và bang Odisha – Ấn Độ. Đây không chỉ là cơ hội tốt để các DN trong tỉnh tăng cường kết nối, hợp tác giao thương với thị trường nhiều tiềm năng như Ấn Độ mà còn là dịp để DN Ấn Độ hiểu thêm về môi trường đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực nông sản, chế biến thực phẩm, xây dựng, hóa chất tại Đắk Lắk. Từ đó tạo nền tảng cho cả hai bên có những bước tiến xa hơn trong thời gian tới.
Theo nhiều DN Ấn Độ tham dự chương trình này, Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, hệ thống giao thông thuận lợi, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch cảnh quan, sinh thái, môi trường và văn hóa truyền thống. Đặc biệt, Cà phê Buôn Ma Thuột là thương hiệu nổi tiếng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cùng với các loại nông sản thế mạnh như sầu riêng, tiêu, điều, mắc ca… là điều kiện rất tốt để DN Ấn Độ đầu tư cũng như hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp Đắk Lắk và Ấn Độ cùng trao đổi về tiềm năng thế mạnh của địa phương tại Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và bang Odisha – Ấn Độ. |
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Balasore (bang Odisha – Ấn Độ) cho hay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Balasore hiện đang đại diện cho 49 DN tại bang Odisha trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đơn vị đã hỗ trợ đắc lực cho các thành viên của mình, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp, tăng cường giao lưu thương mại và cải thiện chất lượng dịch vụ. Trong thời gian tới, với vai trò thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại Ấn Độ thông qua kết nối DN trong và ngoài nước, đơn vị sẽ là cầu nối, kiến tạo cơ hội hợp tác giữa các DN Đắk Lắk và thành viên của mình thông qua trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo…
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, Đắk Lắk và Ấn Độ có mối quan hệ gắn kết về ngoại giao và kinh tế vì Ấn Độ đang có một dự án lớn của Công ty TNHH Cà phê Ngon trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, các lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk rất cởi mở và có thiện chí. Đặc biệt, Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và bang Odisha – Ấn Độ được tổ chức đã tạo cơ hội để các DN Ấn Độ hiểu thêm về môi trường đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực tại Đắk Lắk. Hiện nay Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch quảng bá về Đắk Lắk thông qua các chiến dịch truyền thông và sẽ mời một số công ty tại Ấn Độ quan tâm đến tìm hiểu ở Đắk Lắk. Ông Madan Mohan Sethi cho rằng, trong tương lai, việc hợp tác song phương giữa Đắk Lắk và Ấn Độ sẽ ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu.
Khả Lê