07:45, 24/12/2023
Kỳ cuối: Để vốn ODA thực sự phát huy hiệu quả
Hiệu quả vốn từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đối với nền kinh tế là không thể phủ nhận, nhưng sử dụng nguồn vốn này như thế nào để đạt được hiệu quả như kỳ vọng đang là thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, việc định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA để dòng vốn này được nâng cao cả về “lượng” và “chất” đang trở thành vấn đề cấp thiết.
Nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn ODA
Xác định chậm giải ngân vốn ODA là cản trở lớn trong việc lưu thông dòng vốn này, trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành 4 công văn về nội dung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án ODA; tăng cường năng lực các ban quản lý dự án nhằm nâng cao chất lượng đề xuất dự án vay lại và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài. Tỉnh cũng đã thành lập 4 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những vướng mắc trong công tác giải ngân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình và xử lý vướng mắc phát sinh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là dự án ODA.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh giám sát thực tế Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk tại huyện Krông Búk. |
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các dự án. Đơn cử như, trung tuần tháng 11/2023, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức đợt giám sát về tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của tỉnh Đắk Lắk đối với các sở, ban, ngành liên quan, các chủ đầu tư dự án ODA nhằm nắm bắt tình hình sử dụng vốn cũng như những khó khăn, vướng mắc. Từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có giải pháp để tháo gỡ. Tại đợt giám sát này, các thành viên trong đoàn đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đóng góp ý kiến để các chủ đầu tư tìm cách khắc phục.
Nâng cao trách nhiệm các bên liên quan
“Các đơn vị cần chủ động rà soát để báo cáo, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài nhằm tăng hiệu quả sử dụng và đưa dòng vốn đi đúng mục đích” – ông Võ Đại Huế, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh.
|
Cùng với việc chậm giải ngân vốn, vướng mắc về quy trình, thủ tục trở thành nguyên nhân khách quan dẫn đến vốn ODA sử dụng kém hiệu quả. Tuy nhiên, khi được phân tích ở góc độ chủ quan (vì sao chậm giải ngân vốn? và vì sao thủ tục kéo dài?) thì nguyên nhân do chính vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư đã được hé lộ. Đơn cử như ở một số dự án phải mất nhiều thời gian chờ đợi điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng. Vậy giải pháp để hạn chế vướng mắc này chỉ có thể là các chủ đầu tư phải có sự chuẩn bị, khảo sát kỹ lưỡng trước khi xây dựng các phương án, đề xuất, thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.
Tại các hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, việc triển khai thực hiện và tiến độ của các dự án ODA nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu. Qua đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các cơ quan chủ quản và chủ đầu tư dự án phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, thiết kế đi đôi với tăng cường vai trò và trách nhiệm giám sát chất lượng của cấp có thẩm quyền thông qua quá trình thẩm định, phê duyệt văn kiện và các tài liệu thiết kế chương trình, dự án. Bên cạnh đó, cần bảo đảm quy mô phù hợp với khả năng bố trí vốn của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư, hạn chế tối đa các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện để tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện chương trình, dự án. Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp xử lý vướng mắc của những chương trình, dự án chậm tiến độ.
Người dân ở buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) được hỗ trợ cải tạo nhà dài từ nguồn kinh phí của Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk. |
Để nâng cao hiệu quả sử dụng dòng vốn ODA trong thời gian tới, tỉnh cũng đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư, đàm phán đến khâu triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức quản lý, vận hành dự án có vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để nâng “chất” cho vốn ODA, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân bằng việc tăng tính sẵn sàng, chủ động khi triển khai các dự án từ nguồn vốn này. Cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn ODA cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, với nguồn vốn này, cần xác định các dự án có tính khả thi cao, không dàn trải, manh mún, kéo dài dẫn đến chậm tiến độ, mất đi ý nghĩa của dòng vốn.
Khả Lê