08:34, 27/11/2023
Tình trạng sinh viên mới ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành diễn ra khá phổ biến, đòi hỏi có sự điều chỉnh thích hợp cách thức đào tạo ở các trường đại học, cơ sở dạy nghề.
Thiếu hụt kỹ năng thực hành
Ra trường được hơn 2 năm với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi, chuyên ngành ngôn ngữ Anh, nhưng Trần Lan Phương (24 tuổi, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn thất nghiệp. Phương bộc bạch: “Trong quá trình đi xin việc, tôi nhận thấy đa số nhà tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên vừa có chuyên môn tốt, vừa có năng lực xử lý tình huống thực tiễn linh hoạt. Tôi nhận ra trong thời gian học tập, nếu chỉ chú tâm vào lý thuyết mà không chú trọng thực hành sẽ trở thành rào cản lớn khi đi tìm việc”. Cùng tình trạng như Phương, nhiều sinh viên có thành tích học tập tốt hiện vẫn không xin được việc làm, làm trái nghề và chậm thích ứng trong công việc.
Trao đổi với cấp quản lý của các công ty, doanh nghiệp, họ cho biết vẫn đang rất cần nhân lực, đặc biệt là những người có năng lực chuyên môn tốt và biết áp dụng vào công việc. Anh Trần Văn Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Sự kiện và Truyền thông quốc tế Việt Khôi (phường Thành Nhất, T.P Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Khi phỏng vấn nhân sự là sinh viên mới ra trường, chúng tôi thấy hơn 50% số bạn nắm vững kiến thức chuyên môn nhưng kỹ năng thực hành chưa tốt, chưa có khả năng áp dụng vào thực tế”.
Sinh viên khoa Điện – Điện tử (Trường Cao đẳng Đắk Lắk) thực hành trong giờ học. |
Thực tế cho thấy, sinh viên vẫn là bộ phận nhân lực được nhiều đơn vị săn đón. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu, các bạn trẻ phải có đủ kiến thức nền về chuyên môn kết hợp với kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn.
Đào tạo theo hướng tiếp cận thực tế
Nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo đã thường xuyên cập nhật, thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng chú trọng phần thực hành nhằm nâng cao kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho sinh viên.
Cô Võ Thị Cẩm Thơ (giảng viên Khoa Điện – Điện tử, Trường Cao đẳng Đắk Lắk) cho biết: “Hiện trong hệ thống giáo trình giảng dạy của trường, phần thực hành chiếm đến 70%. Ngoài thời gian thực hành tại trường, sinh viên còn phải đi thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận thực tế sẽ tạo tiền đề cho việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên, giúp các em nhanh chóng thích ứng với công việc”.
Sinh viên khoa điện – điện tử được thực tập và trải nghiệm công việc thực tế tại doanh nghiệp. |
Thực tế cho thấy, hiện nay nguồn nhân lực trẻ có bằng cấp cao và khát khao cống hiến nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng trong công việc. Vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và cơ sở sử dụng lao động có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Anh Trần Minh Tuấn, chủ doanh nghiệp Dịch vụ Kỹ thuật Thiết bị điện và Công nghệ môi trường Thành Phát (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Thời gian vừa qua, doanh nghiệp của tôi đã liên kết và phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cho sinh viên tới thực tập. Trong quá trình này, chúng tôi luôn tạo cơ hội cho các em được tiếp xúc với nhiều thiết bị, máy móc mới và học cách xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra khi làm việc. Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội được lựa chọn ở lại làm việc tại doanh nghiệp sau khi kết thúc thời gian thực tập”.
Thông qua việc liên kết chặt chẽ với khối doanh nghiệp, công ty, cơ sở sử dụng lao động, các trường đại học, cao đẳng nắm được nhu cầu nhân lực trong hiện tại và tương lai. Từ đó đưa ra phương hướng đào tạo phù hợp, giải quyết nỗi băn khoăn “thiếu, thừa” trong trường học, giúp tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp.
Thu Thảo