14:59, 17/11/2023
Luật Thanh tra năm 2022 với nhiều điểm mới đã và đang tạo hành lang pháp lý để hoạt động thanh tra minh bạch, từng bước chuyên nghiệp, hiệu quả.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Chánh Thanh tra tỉnh PHẠM VĂN SÁU xung quanh nội dung này.
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Phạm Văn Sáu |
* Kể từ ngày 1/7/2023, Luật Thanh tra năm 2022 chính thức thay thế Luật Thanh tra năm 2010. Ông có thể chia sẻ những điểm mới của Luật thanh tra năm 2022?
Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều điểm mới về việc khẳng định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra; tổ chức của các cơ quan thanh tra; về hoạt động thanh tra; việc xử lý chồng chéo, trùng lặp; thẩm định, kết luận thanh tra…
Đáng chú ý, về hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, chỉ quy định 2 hình thức thanh tra, gồm thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.
Luật bổ sung quy định về thẩm định đối với dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành kết luận; một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra và báo cáo xin ý kiến của người ra quyết định thanh tra với thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp trước khi ban hành kết luận thanh tra. Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.
Theo Luật Thanh tra năm 2010, đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại kết luận thanh tra. Tuy nhiên, Luật mới quy định đối tượng thanh tra chỉ có quyền kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác.
Trong việc xử lý chồng chéo, trùng lặp hoạt động thanh tra, Luật mới quy định mỗi Bộ chỉ có một kế hoạch thanh tra chung; mỗi tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra. Luật cũng quy định cụ thể hơn về xử lý chồng chéo trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra; giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước.
Điểm mới đáng chú ý nữa là một số quy định trước đây được quy định trong các văn bản dưới luật thì nay đã được đưa vào Luật Thanh tra năm 2022 như: quy định về thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; quy định về việc giám sát hoạt động thanh tra; thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra…
* Theo ông, những điểm mới của Luật đã và đang góp phần khắc phục khó khăn, tồn tại gì trong quá trình thực hiện công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh?
Thực tế cho thấy, quá trình triển khai Luật Thanh tra năm 2010 đã gặp những khó khăn, vướng mắc làm giảm hiệu quả công tác thanh tra. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Thanh tra mới không chỉ chứng minh sự cần thiết, mà còn góp phần quan trọng trong khắc phục tồn tại, bất cập.
Luật Thanh tra năm 2022 bỏ hình thức thanh tra thường xuyên nhằm tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra, đồng thời phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra, bởi cuộc thanh tra có nhiều nội dung, thì nội dung nào rõ và đủ cơ sở thì kết luận ngay để phục vụ công tác quản lý nhà nước, làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý. Đồng thời khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra cho toàn cuộc thanh tra.
Quy định cấp tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành sẽ góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm giữa các cơ quan thanh tra nhà nước trên địa bàn tỉnh; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Đồng thời nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Thanh tra tỉnh trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc về thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm và hướng dẫn nghiệp vụ đối với thanh tra cấp dưới nhằm đạt hiệu quả trong hoạt động thanh tra toàn ngành Đắk Lắk.
Không những thế, một số quy định trước đây được quy định trong các văn bản dưới luật thì nay đã luật hóa tạo sự thống nhất trong áp dụng thực hiện; việc tiến hành thanh tra nhanh gọn, khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thanh tra, chậm báo cáo kết quả thanh tra, chậm ban hành kết luận thanh tra, nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành thanh tra. Đồng thời nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ luật, kỷ cương đối với người tiến hành thanh tra.
* Thưa ông, để Luật đi vào cuộc sống, việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật đang được triển khai như thế nào?
Ngay từ đầu năm, Thanh tra tỉnh đã ban hành kế hoạch về phổ biến giáo dục pháp luật năm 2023, trong đó có Luật Thanh tra trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện kế hoạch này, đến nay Thanh tra tỉnh đã tổ chức hai hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thanh tra năm 2022 cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã tại 2 huyện Cư M’gar và Lắk. Thanh tra tỉnh cũng đã phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Thanh tra huyện Cư Kuin tổ chức 3 hội nghị phổ biến, quán triệt Luật cho cán bộ, công chức, viên chức. Các hoạt động thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Ngoài ra, ngay sau khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực, Thanh tra tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Luật, Nghị định 43 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cho toàn thể công chức của thanh tra tỉnh; chỉ đạo thanh tra các sở, huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, nắm vững các quy định mới để tổ chức thực hiện.
* Xin cám ơn ông!
Quỳnh Anh (thực hiện)