03:49, 17/11/2023
Xã Yang Mao (huyện Krông Bông) có 85% dân số là đồng bào dân tộc Êđê, M’nông. Trước đây, bà con ở đây vẫn canh tác theo kiểu truyền thống, chưa chú trọng chuyển đổi cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất không cao, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm trên 70%.
Vài năm gần đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Yang Mao đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện về thời tiết, đất đai, từ đó mang lại năng suất, cho thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống.
Người dân buôn Chố Kuanh thu hoạch ngô. |
Từ nhiều năm nay, gia đình bà H’Tuyết Êban ở buôn Kiều vẫn nghèo dù gia đình có gần 2 ha đất canh tác. Những năm trước đây, gia đình bà H’Tuyết chủ yếu trồng sắn và ngô lai đại trà, song do không đầu tư, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên năng suất vườn cây không cao, lợi nhuận mỗi vụ chỉ vài ba triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống.
Được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ khuyến nông và ban tự quản, vụ hè thu vừa qua, gia đình bà đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Việt Nông (Đồng Nai) trồng 1,1 ha ngô lai giống S88. Sau hơn 3 tháng trồng, gia đình bà thu được trên 3,6 tấn trái ngô; được công ty thu mua với giá 14.000 đồng/kg. Trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, gia đình bà thu lời gần 39 triệu đồng.
Bà H’Tuyết phấn khởi: “Từ trước đến giờ nhà tôi chưa bao giờ có được số tiền lớn như vậy. Với số tiền này, tôi sẽ trả nợ và mua quần áo, sách vở cho 3 đứa con ăn học. Năm sau gia đình tiếp tục đăng ký với công ty trồng ngô S88 để lấy tiền sửa lại nhà ở”.
Tương tự, gia đình bà H’Rớt Êban (buôn Chố Kuanh) cũng ký hợp đồng với công ty trồng 6 sào ngô S88, thu hoạch được 2,7 tấn, thu về gần 38 triệu đồng. Hay gia đình anh Y Riết Hlong (buôn Hằng Năm) thu hơn 44 triệu đồng từ 9 sào trồng ngô S88.
Gia đình anh Y Bhí Mdrang (buôn Mnăng Tar) tiên phong trong chuyển đổi cây trồng ở xã Yang Mao. |
Ở buôn Mnăng Tar, gia đình các anh Y Bhi Mrang, Y Vung Êban, Y Jim Niê là những gia đình đảng viên trong buôn tiên phong chuyển đổi cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Như gia đình anh Y Jim có hơn 2 ha đất trồng trọt, trong đó có 9 sào đất bằng, trước đây anh thường trồng sắn và ngô lai đại trà, lợi nhuận đem lại không cao. Năm 2022, anh đã hợp đồng với nhà máy thuốc lá trồng 8 sào thuốc lá, lợi nhuận thu về hơn 60 triệu đồng. Vụ hè thu vừa qua, gia đình anh Y Jim đăng ký trồng 0,9 ha ngô lai S88, thu về 5,1 tấn, lãi hơn 50 triệu đồng. Anh Y Jim chia sẻ: “Với 9 sào đất bằng, mỗi năm gia đình thường trồng xen vụ. Vụ đầu trồng thuốc lá thì vụ sau trồng ngô S88; lợi nhuận thu được cao hơn từ 3 – 4 lần so với trồng sắn và ngô đại trà”.
Chuyển đổi cây trồng hợp lý, đem về lợi nhuận cao giúp nhiều hộ dân trả được nợ, có vốn đầu tư phát triển kinh tế để thoát nghèo. Hiện nay, cán bộ khuyến nông đang phối hợp với ban tự quản các thôn, buôn trong xã Yang Mao tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ dân chuyển đổi sang các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao Y Vân Niê Kdăm cho biết: “Vừa qua, một số bà con đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây ngô lai, cây sắn lợi nhuận thấp sang trồng cây ăn trái, cây dứa đồi; cải tạo đất thấp trồng cây lúa nước. Đặc biệt, 3 năm vừa qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn ký hợp đồng với các công ty trồng cây thuốc lá, cây ngô, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng truyền thống trước đây”.
Tùng Lâm