10:45, 16/11/2023
Mùa mưa năm 2023 ở Tây Nguyên sắp kết thúc, tổng lượng mưa toàn mùa và cả năm chỉ đạt xấp xỉ so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khiến lượng nước mặt, nước ngầm trong thời gian cuối mùa mưa lũ năm nay đạt thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Vẫn thường xảy ra tình trạng thiếu nước, khô hạn ở các vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh vào mùa khô. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Thời tiết bắt đầu có sự chuyển biến bất thường từ cuối tháng 10/2023. Vào thời kỳ này, các vùng phía tây và tây nam Tây Nguyên đã chuyển sang mùa khô. Trong khi đó, ở vùng phía đông và đông nam các tỉnh Tây Nguyên thời kỳ này vẫn đang là cao điểm của mùa mưa. Dòng chảy và lượng nước trên các sông, suối trong khu vực, vào tháng 11 và đầu tháng 12/2023 vẫn nằm trong thời kỳ mùa lũ; lượng dòng chảy trung bình tháng thường đạt cao hơn lượng dòng chảy trung bình năm; một số năm còn có lũ lớn, tập trung chủ yếu ở các sông, suối thuộc lưu vực sông Đắk Bla, sông Ba và một số nhánh sông suối của sông Sêrêpốk.
Theo quy luật, mùa khô hằng năm ở Tây Nguyên kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với đặc trưng thời tiết chủ yếu là khô, lạnh và có thể có sương giá ở một số nơi trong thời kỳ đầu mùa; nóng, khô cùng với sự xuất hiện của một vài đợt gió Tây khô nóng, hoặc một số trận giông nhiệt, có khi có mưa đá trong thời kỳ cuối mùa. Tổng lượng mưa trong toàn mùa khô chỉ chiếm khoảng từ 5 – 15% tổng lượng mưa cả năm, trong đó chủ yếu là đóng góp lượng mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh hoặc bão muộn ở thời kỳ đầu mùa và giông nhiệt ở cuối mùa. Thời kỳ ít mưa nhất kéo dài liên tục từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 3.
Bên cạnh đó, dòng chảy sông suối cũng có xu thế chung là giảm dần từ đầu mùa đến khoảng tháng 3, tháng 4 là thời điểm cạn kiệt nhất. Khan hiếm nguồn nước thường xảy ra vào thời kỳ từ tháng 1 đến tháng 4 với tổng lượng dòng chảy ba tháng nhỏ nhất chỉ đạt từ 3 – 6% tổng lượng dòng chảy năm. Trong thời kỳ này, một số sông, suối nhỏ có thể trở nên cạn kiệt hoàn toàn.
Nguyên nhân biến đổi khí hậu thủy văn, chủ yếu là do diện tích rừng và độ che phủ thực vật giảm, diện tích đất trống và đồi núi trọc ngày một gia tăng. Điều đó làm cho bức xạ nhiệt từ các sườn núi xuống các khu vực thấp, đặc biệt là những thung lũng nơi có dân cư tập trung đông đúc, sự nóng lên của mặt đất do sự hấp thụ bức xạ mặt trời tăng lên, khiến nhiệt độ không khí ban ngày khá cao. Trong khi đó, ban đêm do bức xạ hiệu dụng của mặt đất tăng, kết hợp với sự lạnh đi do không khí lạnh từ núi tăng cao hơn chìm xuống. Tổng hợp các tác dụng này làm cho biên độ nhiệt ngày đêm lớn.
Hạn hán cũng làm cho tài nguyên đất bị suy thoái nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên. Đất bị phong hóa, bạc màu dễ bị xói mòn, làm cho lớp đất canh tác mỏng dần, là tiền đề của hoang mạc hóa và sa mạc hóa. Nắng nóng và hạn hán kéo dài còn làm cho đất nứt nẻ, khô cằn nhưng khi có mưa lại dễ sinh ra trượt đất, sạt lở đất.
Tây Nguyên cũng là nơi có lượng nước mặt, nước ngầm được sinh ra chủ yếu từ nước mưa, hầu như không có lượng nước nhập vào từ các vùng lân cận, khả năng điều tiết nước tự nhiên ngày một giảm sút do rừng bị chặt phá, trong khi khả năng trữ nhân tạo không theo kịp sự gia tăng nhu cầu dùng nước nên sự thiếu hụt lượng mưa sẽ kéo theo sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng nước trong mùa khô kế tiếp.
Các nhà khí tượng thủy văn nhận định, trong mùa khô năm 2023 – 2024 ở Tây Nguyên, khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng và có khả năng gay gắt như mùa khô năm 2015 – 2016 và năm 2019 – 2020. Tháng 11 khả năng còn có mưa khá với lượng mưa và số ngày có mưa đạt xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khô, lạnh sẽ kéo dài khoảng từ giữa tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, trong đó một số nơi nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 10 độ, có nơi có sương giá. Đây cũng là thời kỳ ít mưa nhất.
Tháng 2 và 4/2024, khả năng có mưa rào và giông nhưng lượng mưa chưa nhiều, đồng thời nắng nóng xảy ra ở nhiều nơi. Dòng chảy sông ngòi và lượng nước mặt được đánh giá là sẽ khan hiếm ngay từ đầu vụ. Tổng lượng dòng chảy trên các sông, suối ở Tây Nguyên trong toàn mùa cạn 2023 – 2024 sẽ thiếu hụt khoảng từ 10 – 50% so với trung bình nhiều năm, có thể gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước tưới cho cả khu vực Tây Nguyên.
Để đối phó với tình trạng khô hạn trong mùa khô năm nay, các địa phương khu vực Tây Nguyên cần triển khai các biện pháp như: Tranh thủ khi lượng dòng chảy sông ngòi còn tương đối để tích đủ lượng nước vào các hồ chứa theo khả năng trữ của hồ trước khi sông, suối cạn kiệt; xem xét khả năng cấp nước tưới của toàn bộ các công trình thủy lợi hiện có để quy hoạch hợp lý diện tích gieo trồng vụ đông xuân; tập trung nạo vét, sửa chữa, củng cố hệ thống kênh mương, gia cố hồ đập để tăng khả năng trữ nước; khảo sát, đánh giá nguy cơ khô hạn và cạn kiệt cho các vùng và hiện trạng nguồn nước có thể khai thác để có đối sách hợp lý nếu nắng hạn kéo dài.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc quy hoạch về diện tích, loại cây trồng ở mỗi vùng; nêu cao ý thức tiết kiệm, san sẻ cùng cộng đồng trong việc khai thác sử dụng nguồn nước. Các địa phương cần theo dõi sát các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến thời tiết thủy văn và nguy cơ khô hạn, thiếu nước trong từng thời kỳ để có những định hướng chỉ đạo sản xuất phù hợp và phòng, chống hạn hiệu quả.
Võ Duy Phương (Đài KTTV khu vực Tây Nguyên)