08:55, 12/11/2023
Lần đầu tiên được tổ chức, Cuộc thi “Đại sứ Đại đoàn kết dân tộc” Đắk Lắk năm 2023 do Hội đồng Đội tỉnh, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp tổ chức dành cho các em nữ độ tuổi từ 11 – 15 trên địa bàn toàn tỉnh.
Vượt qua 120 thí sinh ở vòng loại với nội dung thi gửi video clip giới thiệu về bản thân và trình bày hiểu biết, cảm nhận về một dân tộc mà mình yêu thích, 12 thí sinh xuất sắc nhất thuộc nhiều dân tộc khác nhau như: Êđê, M’nông, Kinh, Sán Chay, Tày, Dao… đã được lựa chọn tham dự vòng chung kết.
Bồi đắp lòng nhân ái
Trước khi đến với đêm chung kết, các thí sinh đã trải qua những hành trình hết sức đáng nhớ. Trong chuỗi hoạt động thăm, tặng quà học sinh, người dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pắc, Ea Súp, các thí sinh đã tận tay trao gửi quà đến những hoàn cảnh đặc biệt với sự đồng cảm sẻ chia sâu sắc. Thí sinh Nguyễn Bảo Ngọc (13 tuổi, dân tộc Kinh, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Chứng kiến hình ảnh cụ già neo đơn không có con cháu, các anh chị đang tuổi ăn học vì cha mẹ mất sớm nên phải làm lụng lo cho các em nhỏ, nhiều em nhỏ phải lao động từ rất sớm, những căn nhà tuềnh toàng… em rất thương. Em nhận thấy mình may mắn hơn so với rất nhiều người, từ đó thêm trân trọng cuộc sống, trân quý gia đình, yêu thương những người xung quanh, biết đồng cảm và chia sẻ nhiều hơn”.
Ban tổ chức trao giải Quán quân cho thí sinh Lê Hoàng Phương (dân tộc Sán Chay, huyện Ea Súp). |
Trong chương trình trải nghiệm thực tế tại xã Ea Rốk (huyện Ea Súp), các em đã được bà con người dân tộc Nùng Phàn Slình ở đây giới thiệu nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, được trải nghiệm làm bánh dày và nấu món khâu nhục. Vừa học vừa làm, những hành động có lúc hơi vụng về nhưng đổi lại là tiếng cười giòn tan rộn rã, những ánh mắt hạnh phúc khi chứng kiến thành quả của mình làm ra.
Cùng với đó, các em được tham quan, tìm hiểu kiến trúc, lịch sử Di tích quốc gia tháp Yang Prông trong rừng Ea Súp, cùng hào hứng tham gia hoạt động teambuilding sôi nổi. Hành trình hoạt động ý nghĩa ấy đã giúp các em bồi đắp tình cảm, thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.
Tự tin thể hiện bản sắc dân tộc
Đêm chung kết cuộc thi “Đại sứ Đại đoàn kết dân tộc” Đắk Lắk thu hút đông đảo khán giả trên địa bàn tỉnh đến tham dự. Trên sân khấu lớn, 12 thí sinh đã tự tin thể hiện khả năng của bản thân qua ba vòng thi: trình diễn trang phục dân tộc tự chọn, tài năng và ứng xử. Trong đó, ở phần thi tài năng, dù còn nhỏ tuổi nhưng các em đã có sự thể hiện hết sức ấn tượng qua các bài hát, điệu múa, điệu nhảy, bài thuyết trình…
Đêm chung kết cuộc thi “Đại sứ Đại đoàn kết dân tộc” Đắk Lắk. |
Với chất giọng khỏe khoắn, từng đoạt Quán quân cuộc thi “Tìm kiếm tài năng tỉnh Đắk Lắk” năm 2022, thí sinh H’Linh Đan Niê (13 tuổi, dân tộc Êđê, huyện Krông Ana) đã biểu diễn bài dân ca Êđê “Bến nước Dur Kmăl” một cách xuất sắc và được Ban tổ chức trao giải “Thí sinh tài năng nhất”. Còn em Lê Hoàng Phương (14 tuổi, dân tộc Sán Chay, huyện Ea Súp) thu hút khán giả với tiết mục “Vũ điệu Tắc Xình”. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân tộc Sán Chay, sử dụng nhạc cụ trống và gõ những ống nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau tạo ra những âm thanh giữ nhịp cho điệu nhảy. Các động tác nhảy múa vừa tái hiện hoạt động lao động sản xuất của người Sán Chay, vừa thể hiện đời sống tâm linh của người dân làm nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố tự nhiên, mang đến sự mới lạ cho chương trình.
Chỉ có 5 thí sinh được chọn vào phần thi ứng xử để tranh ngôi vị quán quân, trực tiếp bốc thăm câu hỏi từ Ban tổ chức và trả lời. Có lẽ do hồi hộp, một số câu trả lời chưa thực sự xuất sắc nhưng nhìn chung đã phần nào nói lên cảm nhận, hiểu biết của các thí sinh đối với cuộc thi, cũng như ý thức được vai trò của bản thân trong việc phát triển, hoàn thiện bản thân, giữ gìn bản sắc văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Với phần trình diễn và thể hiện ấn tượng, em Lê Hoàng Phương (dân tộc Sán Chay) đã xuất sắc giành ngôi vị Quán quân cuộc thi “Đại sứ Đại đoàn kết dân tộc” Đắk Lắk. Phương chia sẻ, mong ước lúc đầu của bản thân khi làm video clip gửi dự thi vòng loại là để quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Chay và qua đó giúp mọi người biết đến dân tộc mình nhiều hơn. Qua cuộc thi này đã giúp bản thân em và các bạn hiểu thêm về bản sắc văn hóa các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn tỉnh. Đạt danh hiệu Quán quân của cuộc thi, Phương cảm thấy vinh dự nhưng cũng ý thức được trách nhiệm rất lớn, cần cố gắng phấn đấu hơn để hoàn thiện bản thân.
Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao giải Á quân 1 cho thí sinh Nguyễn Phan Phương Linh (dân tộc Kinh, huyện Krông Pắc), Á quân 2 cho thí sinh H Wion Sruk (dân tộc M’nông, huyện Lắk); trao giải cho 4 thí sinh có sự thể hiện xuất sắc ở các phần thi và 5 giải triển vọng.
Huyền Diệu