08:55, 12/11/2023
Trong chiến lược phát triển đô thị Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nhà quy hoạch đặc biệt quan tâm mức độ tăng trưởng diện tích nhà ở đô thị, phải cân đối mật độ đô thị hóa với diện tích tự nhiên theo từng khu phân loại, bố trí đất. Các công trình kiến trúc, xây dựng cần bảo toàn các giá trị văn hóa truyền thống mà vẫn đảm bảo các tiêu chí hiện đại!
Cần định vị rõ mục tiêu phát triển đô thị, tăng diện tích nhà ở đô thị là tăng các loại hình kiến trúc nhà ở, tiện ích sinh hoạt văn minh hiện đại hơn, chứ không khư khư giữ các quan điểm sinh hoạt truyền thống.
Tránh xung đột truyền thống và hiện đại
Tại một số diễn đàn mới đây, các chuyên gia tư vấn đã nêu lên lo lắng khi hoạt động quản lý kiến trúc, phát triển đô thị tại nhiều địa phương quá tuân thủ góc nhìn truyền thống, bảo thủ về công trình xây dựng, làm hạn chế tính văn minh, hiện đại trong xây dựng nhà ở đô thị. Ngay ở TP. Buôn Ma Thuột, một số kiến trúc sư trẻ dè dặt phát biểu, nếu nhìn các tòa nhà ở thành phố này chỉ với góc độ văn hóa vốn có, những mái nhà dài và khung nhà thấp tầng, chọn đất nền…, cơ hội có những tòa nhà cao tầng khang trang cho thành phố sẽ rất hạn chế.
Quan trọng hơn, những vùng ngoài trung tâm, nơi địa phương muốn tạo các khu đô thị mới, các kiến trúc sư đều mong xây những công trình quy mô hơn, chú ý không gian sống hiện đại, văn minh, cao tầng như những tòa chung cư hay phố thương mại hiện đại. Như thế, các công trình kiến trúc xây dựng hiện đại cần được ưu tiên, và theo đó, những suy nghĩ gìn giữ nguyên vẹn kiến trúc bản địa cần phải có sự thay đổi.
Không gian sinh hoạt chung dành cho cư dân khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hồng Thủy |
Đặc biệt, trong những không gian đô thị mới hướng về tương lai, diện tích nhà ở sẽ ngày càng thu gọn lại, tinh tế, chặt chẽ hơn. Sẽ có hai thiên hướng nhà ở chủ lực, là nhà ở chung cư cao tầng, dùng không gian sinh hoạt công cộng làm chủ đạo, “đặt chồng nhiều dãy phố lên nhau và đặt nhiều khu phố vào một tổng thể tòa nhà lớn”; và nhà ở kết hợp không gian thương mại dịch vụ, sử dụng đa mục đích trên một diện tích xây dựng, “nơi không gian riêng tư của mỗi người chật hẹp hơn nhưng cơ hội kinh tế dịch vụ mở rộng ra”.
Hai thiên hướng này không có nghĩa là các căn nhà ở đô thị không có không gian xanh hay sẽ bị bó hẹp. Ngược lại, khi những căn hộ chung cư, những không gian sống độc lập được bố trí thiết kế trong một không gian chung, hài hòa nhiều hạng mục, sử dụng tiện ích công cộng bao quanh, như công viên cảnh quan, lại là điều kiện tương tác cộng đồng mạnh mẽ hơn cho cư dân. Xu hướng cuộc sống mở ra bên ngoài, tăng giao tiếp xã hội chính là lựa chọn chủ lực cho đời sống tinh thần các thế hệ cư dân mới, tự nhiên và thiên nhiên hơn.
Theo các kiến trúc sư, chỉ khi nào phát triển hài hòa được không gian sống vừa tôn trọng tính cá thể ở mỗi góc căn hộ, với không gian bài trí chung bên ngoài, kéo con người ra với thiên nhiên, các đô thị mới xóa được những xung đột giữa truyền thống và hiện đại trong suy nghĩ cư dân, thị dân.
Tăng tiện ích nhà ở đô thị
Các kiến trúc sư tư vấn, căn hộ đô thị không phải ngôi nhà nông thôn; sẽ có diện tích sử dụng ít hơn nhưng bài trí tinh tế hơn và nhiều không gian hữu dụng hơn. Những căn hộ chung cư giúp giảm diện tích đất xây dựng, tận dụng được không gian cho các mục đích khác; quy hoạch không gian sinh hoạt mỗi cá nhân thâu gọn lại, chặt chẽ hơn; giúp chi phí sinh hoạt tiết giản mà tính hiện đại, ứng dụng các thiết bị thông minh… được khai thác tối đa. Tiện ích nhà ở đô thị theo đó tăng lên nhiều, so với quan niệm xây dựng nhà ở theo các lối kiến trúc truyền thống lâu nay.
Thứ hai, khi các căn hộ đô thị đặt chung trong các tòa nhà, quy hoạch với từng ô phố, hiệu quả quy hoạch đô thị sẽ tăng. Đơn cử Buôn Ma Thuột đã quy hoạch, kiến trúc xây dựng ở từng khoảnh đất xây nhà không vượt quá 60%, mật độ xây dựng ở những ô phố đô thị mới chỉ có tầm 70% diện tích, rõ ràng thành phố đã kiểm soát được mật độ xây dựng hợp lý, và qua đó tuân thủ giữ được những không gian xanh tự nhiên trong đô thị. Thực tế thời gian qua, ở những khu đô thị mới, chính quyền tỉnh Đắk Lắk chủ trương chỉ phát triển chưa tới 60% diện tích đất cho việc xây dựng, càng chứng minh địa phương kiên quyết, chủ động hình thành những vùng dân cư đô thị, tuân thủ tốt không gian tự nhiên xanh chứ không hề để xảy ra tình trạng “bê tông xâm lấn” như nhiều người quan ngại.
Thứ ba, quy hoạch nhà ở cư dân đô thị tương lai vào trong các khu phố đô thị, là cách TP. Buôn Ma Thuột tăng cường kiểm soát tốt việc quản lý địa bàn, quy hoạch đất, bố trí dân cư đúng quy hoạch phát triển. Chỉ cần địa phương tiếp tục kiên định rõ các tiêu chí quy hoạch, nhà ở phải dựng đúng khu vực đất ở, không cho phép chuyển đổi đất canh tác, sản xuất lạm dụng thành đất nhà ở thì việc kiểm soát đô thị, tránh được những nguy cơ như ách tắc giao thông, xuống cấp hạ tầng, phòng cháy nổ, ngăn ngập úng đô thị… sẽ không xảy ra, chắc chắn sinh hoạt của thị dân sẽ ngày một tốt hơn.
Trên tổng hòa kiểm soát đó, mỗi khu vực đô thị phát triển mới phát triển hài hòa cuộc sống cư dân văn minh, tạo sinh kế làm ăn mới hiệu quả; mỗi khu vực chỉnh trang ở trung tâm cũ giữ vững các vùng kiến trúc vốn có, hạn chế cảnh “xé lẻ không gian sống” đô thị theo kiệt hẻm, lối xóm…, chắc chắn nhịp điệu sống của người dân sẽ được bảo toàn, đồng nghĩa với văn hóa đô thị được bảo đảm.
Tăng tiện ích nhà ở đô thị một cách văn minh hơn, hiện đại hơn để đời sống người dân phát triển hài hòa, đạt nhiều lợi ích, giúp cư dân quay lại tôn trọng, bảo toàn những nếp sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống, đó chính là cách thức tốt nhất, để TP. Buôn Ma Thuột giữ vững tâm thế phát triển đô thị bền vững, không ngừng vận động vươn lên với vị thế một đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Nguyên Đức