Ngày 26/10, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và nêu kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại địa phương trong thời gian qua.
Thảo luận về chính sách đối với người có công, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư Thị ủy Buôn Hồ cho biết, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên có những văn bản của Chính phủ, một số bộ, ngành khó đi vào thực tiễn và trong quá trình triển khai còn một số bất cập.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư Thị ủy Buôn Hồ thảo luận tại phiên họp (Ảnh:quochoi.vn).
Cụ thể, tại điểm a của khoản 1, Điều 157, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có quy định về chế độ thăm viếng mộ liệt sĩ. Theo đó, điều kiện thăm viếng mộ liệt sĩ áp dụng cho liệt sĩ có tên trong danh sách liệt sĩ của nghĩa trang liệt sĩ trong nước thì được hưởng chế độ này. Tuy nhiên, thực tế qua phản ánh của người dân, cử tri, có nhiều trường hợp là liệt sĩ nhưng vì một lý do nào đó không chôn cất trong nghĩa trang liệt sĩ thì lại không được hưởng chế độ này. Đây cũng là một vấn đề bất cập trong chính sách. Mặc dù Đắk Lắk đã có nhiều văn bản gửi đến các bộ, ngành, các đơn vị hữu quan nhưng chưa có phúc đáp và cũng chưa có điều chỉnh về chính sách này. Do vậy, đại biểu mong rằng Chính phủ tiếp thu, xem xét để có hướng chỉ đạo, tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến việc các bộ, ngành chậm hướng dẫn các địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, tỉnh Đắk Lắk có triển khai dự án Cầu 110 và đã đạt khối lượng 88%, còn 12% hiện đang tạm dừng do vướng mắc mặt bằng và công trình chưa hoàn thành do nguồn vốn trái phiếu chính phủ từ năm 2016 – 2018. Tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải để xem xét có cơ chế tiếp tục đầu tư hoàn thành công trình.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu thảo luận tại phiên họp (Ảnh:quochoi.vn).
Hiện nay, nguồn vốn còn lại không nhiều, tuy nhiên còn vướng mắc ở chỗ nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã hết thời hạn để bố trí và để tiếp tục có nguồn đầu tư cho công trình này thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Dự án Cầu 110 đã tạm dừng triển khai khá lâu, vì vậy rất cần sự quan tâm của Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ để sớm phát huy hiệu quả của công trình, tránh lãng phí và đảm bảo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Đối với nội dung liên quan đến pháp luật về đất đai, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, tỉnh Đắk Lắk có rất nhiều yếu tố khó khăn mang tính lịch sử về những vấn đề liên quan đến đất đai nên cần có thời gian để nghiên cứu, xây dựng, ban hành đảm bảo chặt chẽ. Vì vậy, địa phương rất mong có sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn để kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trên thực tế.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên ở các địa phương, hiện nay mỗi địa phương cũng đang có cách làm khác nhau. Với Đắk Lắk, nhìn chung mô hình này thực sự không hiệu quả và cần phải sắp xếp lại; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đang thực hiện chưa đúng chức năng nhiệm vụ của mình, dường như đang thực hiện phổ thông hóa (thiên về dạy văn hóa phổ thông) mà chưa thực sự phát huy chức năng giáo dục nghề nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để có hướng dẫn, sắp xếp lại các đơn vị này trên thực tế, đảm bảo yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk phát biểu thảo luận tại phiên họp (Ảnh:quochoi.vn).
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk quan tâm đến vấn đề phát triển năng lượng tái tạo xanh. Đại biểu cho rằng nguy cơ mất điện, thiếu điện của Việt Nam là hiện hữu. Tuy nhiên một nghịch lý từ thực tế của địa phương Đắk Lắk – là tỉnh có điều kiện để phát triển về điện gió, điện mặt trời, có nguồn lực và dư địa rất lớn, thế nhưng hiện nay các dự án điện mặt trời của Đắk Lắk, đặc biệt những dự án nhỏ và vừa, hầu như phải thay phiên nhau được bán điện để truyền tải lên điện lưới quốc gia. Một trong những lý do là hạ tầng truyền tải điện không đảm bảo.
Do đó, đối với những vùng có dư địa lớn về điện gió, điện mặt trời như Đắk Lắk, Gia Lai, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần quan tâm xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở của lưới điện đảm bảo để có thể là mua triệt để các số lượng điện được sản xuất từ điện năng lượng tái tạo, qua đó giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là thiếu điện cục bộ như hiện nay. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách để thu hút, phát triển điện năng lượng tái tạo, giảm thiểu tác hại về môi trường, tạo nguồn năng lượng xanh…
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/-oan-ai-bieu-quoc-hoi-tinh-ak-lak-kien-nghi-trung-uong-quan-tam-giai-quyet-mot-so-kho-khan-vuong-mac-tai-ia-phuong