Chiều 24/10, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu.
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Y Vinh Tơr – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tại điểm o, khoản 3, Điều 12 dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung thêm là người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bởi theo quy định hiện nay, có những địa bàn chỉ có thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, không phải quy mô toàn xã. Đồng thời bổ sung thêm đối tượng là người dân đang cư trú tại các địa bàn xã, thôn ở khu vực biên giới đất liền, vì những vùng này vẫn còn rất nhiều khó khăn…
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân tham gia thảo luận tại tổ.
Về vấn đề thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, việc thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đến tuyến tỉnh với tỷ lệ chi trả điều trị nội trú 100% của chi phí theo phạm vi mức hưởng sẽ tạo sự bất cập, làm tăng số lượng khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến trên, nhất là nội trú tuyến tỉnh, giảm lượng khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có chính sách để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến cơ sở cả về nhân lực, trang thiết bị để giảm áp lực cho các tuyến trên.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, tại tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ phục vụ chỉ chiếm 92,9%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường bệnh của trạm y tế) là 28,5 giường bệnh, ở tuyến tỉnh có 2.430 giường bệnh; tuyến huyện là 2.430 giường bệnh. Đại biểu cho rằng, việc nâng cao năng lực, trang thiết bị cho y tế cơ sở sẽ tốt hơn là việc cho thông tuyến lên trên, vì việc đi lại và di chuyển rất vất vả và tốn nhiều chi phí. Mặc dù điều kiện tuyến trên tốt hơn, nhưng nếu đầu tư ngay tại cơ sở thì sẽ giảm tải áp lực đối với tuyến trên và cũng phát huy hiệu quả y tế cơ sở.
Đóng góp ý kiến thảo luận về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật liên quan như: Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ… để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, nhất là định nghĩa về dữ liệu và phân loại dữ liệu cho phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về dữ liệu video trong nội dung luật. Đại biểu nêu rõ, thực tế cho thấy các nội dung và các video trên các nền tảng như Tiktok, Zalo, Facebook… đang tác động rất lớn đến thái độ, tâm lý, ứng xử của giới trẻ, vì vậy rất cần nghiên cứu, bổ sung quy định đối với dạng dữ liệu này. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về việc xử lý dữ liệu cá nhân, trong đó, để đảm bảo việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cần có quy định yêu cầu mọi tổ chức phải xin phép và được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trước khi thu thập, xử lý hoặc chia sẻ thông tin cá nhân…
Thảo luận, đóng góp vào dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm – Bí thư Huyện ủy Cư Kuin cho rằng, Luật Dữ liệu là một luật mới và việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ phát triển chính phủ số và cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Do vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu là rất cần thiết và đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số hiện nay.
Liên quan đến cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, đại biểu cho rằng, quy định về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia có tác động lớn không chỉ đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội mà còn cả đối với cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, thuyết minh làm rõ sau khi luật có hiệu lực thi hành, các cơ sở dữ liệu hiện nay phải được xử lý để bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật theo quy định của luật này. Cùng với đó, cần đánh giá tác động về chi ngân sách nhà nước cho hoạt động này; quan tâm đến việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ và nhân lực quản lý, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Bên cạnh đó, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến giải thích từ ngữ, khái niệm, thuật ngữ để đảm bảo rõ ràng, thống nhất cách hiểu về cùng một khái niệm, cô đọng các nội dung, không cần thiết phải quy định những khái niệm, thuật ngữ đã rõ, có cách hiểu và áp dụng, thống nhất hoặc đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác…
Nguồn: https://daklak.gov.vn/-/-oan-ai-bieu-quoc-hoi-tinh-ak-lak-thao-luan-to-ve-du-an-luat-sua-oi-bo-sung-mot-so-ieu-cua-luat-bao-hiem-y-te-va-du-an-luat-du-lieu-