Sáng 17/4, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2023 và Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2023 của các bộ, cơ quan nganh bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023. Ảnh : Bộ Nội vụ
Theo đó, Chỉ số CCHC năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk đạt 87,33 điểm (tăng 2,86 điểm), xếp vị thứ 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cải thiện 10 bậc so với năm 2022; đứng thứ 1/5 so với các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum: xếp thứ 43; Lâm Đồng: 46; Đắk Nông: 51; Gia Lai: 58).
Trong đó, nhóm điểm các tiêu chí của tỉnh được đánh giá: Điểm do Bộ Nội vụ thẩm định đạt 57,92/61,5 điểm. Điểm tiêu chí tác động của CCHC đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đạt 2,97/6,5 điểm. Điểm tiêu chí khảo sát lãnh đạo quản lý của tỉnh về CCHC: 18,29/22 điểm. Điểm Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 8,15/10 điểm.
Người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công
Chỉ số CCHC PAR INDEX là công cụ quản lý hiệu quả được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 12, nhằm giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố. Từ đó giúp cho các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả được, những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả hằng năm.
PAR INDEX cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó, có 31,50 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Đối với cấp bộ, dẫn đầu là Bộ Tư pháp với 89,95 điểm; xếp sau đó là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (89,89 điểm), Bộ Tài chính (89,18 điểm). Đứng cuối bảng là các Bộ: Công Thương (78,03 điểm), Ngoại giao (78,48 điểm), Y tế (79,80 điểm).
PAR INDEX cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó, có 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Xếp vị trí dẫn đầu cấp tỉnh là Quảng Ninh với 92,18 điểm; tiếp đó là TP. Hải Phòng đạt 91,87 điểm; Hà Nội: 91,43 điểm. Đứng vị trí cuối bảng là các tỉnh: An Giang (81,32 điểm), Sóc Trăng (81,70 điểm), Bình Thuận (81,87 điểm).
Đối với Chỉ số SIPAS, năm 2023 là năm thứ 2 tiến hành triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công. Trong đó, 9 nhóm chính sách công được đánh giá bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách nước sinh hoạt; chính sách điện sinh hoạt; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách an sinh, xã hội và chính sách CCHC nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ – Cơ quan Thường trực CCHC của Chính phủ, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng trên 2,60 điểm so với năm 2022. Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03%-90,61%.