Sáng 11/4, Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 86 người mắc, trong đó có 77 người nhập viện điều trị và không có trường hợp tử vong. So với năm 2022, tăng 5 vụ và tăng 68 người mắc.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Năm 2023, gần 50% số vụ ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân do người dân sử dụng động vật và thực vật có sẵn độc tố tự nhiên để làm thực phẩm như ấu trùng ve sầu, nấm và cà độc dược…
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, các cấp, các ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm. Tỉnh Đắk Lắk cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm…
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên Bùi Khánh Toàn phát biểu thảo luận tại hội nghị.
Việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm;
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Giám đốc Sở Y tế Nay Phila phát biểu tại hội nghị.
Để triển khai hiệu quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, Giám đốc Sở Y tế Nay Phila đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm pháp hiện, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm răn đe, tạo ý thức tự thay đổi hành vi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm; UBND cấp huyện quan tâm bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm 2024…