Sáng 2/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023.
Nguồn: Báo cáo PAPI 2023
Theo Báo cáo được công bố, Chỉ số PAPI năm 2023 Đắk Lắk đạt 42,3265 điểm, xếp vị thứ 31/61/63 tỉnh, thành phố; tăng 1,2042 điểm, tăng 10 bậc so với năm 2022; đứng thứ 1/5 so với các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk: 31; Lâm Đồng: 45; Gia Lai: 51, Kon Tum: 56; Đắk Nông: 61).
Trong đó, các tiêu chí cải thiện của tỉnh so với năm 2022 là: Công khai, minh bạch (năm 2022: 4,8389; năm 2023: 5,3089); Trách nhiệm giải trình với người dân (năm 2022: 4,1477; năm 2023: 4,2091); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (năm 2022: 6,3898; năm 2023: 6,6173); Cung ứng dịch vụ công (năm 2022: 7,4912; năm 2023: 7,5422); Hiệu quả quản trị môi trường (năm 2023: 2,9834; năm 2023: 3,2489); Quản trị điện tử (năm 2022: 2,8875; năm 2023: 3,417).
2 tiêu chí giảm điểm so với năm 2022 gồm: Tham gia của người dân cấp cơ sở (năm 2022: 5,1388; năm 2023: 4,7562) và Thủ tục hành chính công (năm 2022: 7,2450; năm 2023: 7,2269).
PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong suốt 15 năm qua, có tới 197.779 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh.
Nguồn: Báo cáo PAPI 2023
PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.
Dẫn đầu xếp hạng Chỉ số PAPI năm 2023 là tỉnh Thừa Thiên Huế (đạt 46,0415 điểm); Đắk Nông là tỉnh thấp điểm nhất (đạt 38,9711 điểm); có 2 tỉnh không được đánh giá là Quảng Ninh và Bình Dương.
Tiêu chí cung ứng dịch vụ công tỉnh Đắk Lắk năm 2023 có nhiều cải thiện -Ảnh minh họa
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho biết báo cáo PAPI 2023 lấy ý kiến của gần 20.000 người dân ở 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là số lượng người tham gia khảo sát lớn nhất từ trước tới nay của khảo sát chỉ số PAPI.
Theo bà Ramla Khalidi, có 3 phát hiện nổi bật trong kết quả khảo sát PAPI 2023. Trước hết, mức độ hài lòng của người dân về công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công đã được cải thiện ở cấp địa phương. Đây là một tiến bộ đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, bà Ramla Khalidi cũng lưu ý, người dân vẫn còn những quan ngại với một số chỉ số phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực tuyển dụng nhân lực; tính minh bạch trong quá trình ra quyết định ở địa phương…
Phát hiện thứ hai, đó là khả năng tiếp cận quản trị điện tử của người dân tăng so với năm 2022. Số liệu PAPI 2023 cho thấy tỉ lệ người dân sử dụng cổng thông tin điện tử cấp quốc gia và cấp tỉnh có xu hướng tăng lên, mặc dù con số tổng thể vẫn còn thấp.
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam lưu ý, việc tiếp cận toàn diện các dịch vụ điện tử đòi hỏi phải thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, đặc biệt tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số và dân cư nông thôn.
Phát hiện thứ 3 là những vấn đề được người tham gia khảo sát quan tâm nhất trong năm 2023. Theo đó, ba vấn đề người dân cho rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm tiếp theo đó là nghèo đói (chiếm 22,39% tổng số người trả lời), việc làm (12,79%) và tăng trưởng kinh tế (9,2%).
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, những mối quan tâm trên cho thấy Nhà nước và cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, nắm bắt và có các chính sách đối với những những nhóm dân cư, khu vực và cộng đồng dễ bị tổn thương, có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.