Ngày 29/3, Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh Đắk Lắk do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh nhằm giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND (Nghị quyết số 24) ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị hữu quan trong tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, qua đó cơ bản đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình phát triển cà phê bền vững, hạn chế đáng kể những tồn tại trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo đó, nhiều nội dung đã đạt mục tiêu đề ra, cụ thể như: năm 2023, sản lượng bình quân đạt 513.243 tấn/năm, năng suất bình quân đạt 26,72 tạ/ha, tăng 14% so với mục tiêu Nghị quyết. Diện tích thực hiện tái canh đến năm 2020 là 35.408 ha, đạt 109,5%; từ năm 2021 – 2023, tổng diện tích thực hiện tái canh đạt 10.755 ha, tăng khoảng hơn 2.000 ha/năm so với mục tiêu của Nghị quyết. Tổng diện tích cà phê có chứng nhận đạt trên 30.317 ha, tổng sản lượng đạt hơn 100.065 tấn, với tổng số hộ tham gia là 23.291 hộ; có khoảng 90% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật, đạt 100% mục tiêu của Nghị quyết; 100% các cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật, cà phê đạt điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại buổi làm việc.
Trong giai đoạn 2018 – 2023, sản lượng cà phê chế biến sâu đạt 249.900 tấn, bình quân hàng năm đạt khoảng 41.650 tấn, đạt tỷ lệ cà phê chế biến sâu 8,11% so với sản lượng cà phê của bình quân các niên vụ, cơ bản đạt mục tiêu của Nghị quyết (từ 8 – 10% sản lượng của niên vụ). Kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh tương đối ổn định, tổng lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh đến năm 2023 là 304.064 tấn, kim ngạch đạt 760.396 triệu USD, cơ bản đạt mục tiêu của Nghị quyết đề ra (từ 700 – 800 triệu USD/năm).
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với yêu cầu đề ra như: việc giảm diện tích cà phê, duy trì ổn định 180.000 ha là không thể thực hiện do nhiều yếu tố như thị trường, công tác quản lý, quy hoạch, công tác tuyên truyền, vận động… Các công trình thủy lợi hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 30% diện tích cà phê, diện tích cà phê còn lại được tưới từ nguồn sông, suối, ao hồ, giếng; việc đảm bảo 75-80% diện tích cà phê chủ động được nước tưới theo mục tiêu Nghị quyết khó hoàn thành…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi làm việc.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về tiếp cận nguồn vốn vay tái canh cà phê; công tác quản lý về vùng trồng chưa được thực hiện chặt chẽ dẫn đến nhiều diện tích cà phê ở các địa phương bị người dân phá bỏ; cần rà soát lại diện tích cà phê trồng thuần và trồng xen để có chính sách phù hợp…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương hữu quan trong việc chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 24. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu triển khai hiệu quả Kế hoạch tái canh cây cà phê giai đoạn 2021-2025 đảm bảo theo mục tiêu đề ra; tổ chức đánh giá, tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, xem xét đề xuất chính sách phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; thống kê lại diện tích, sản lượng cà phê hiện nay để có số liệu chính xác; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cà phê trong triển khai các chính sách về nông nghiệp và quản lý đất đai.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong phát triển cà phê bền vững, có chứng nhận, có mã vùng trồng; tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có giải pháp để nguồn vốn tín dụng vay tái canh đến được với người trồng cà phê; tăng cường công tác quản lý giống và xây dựng vùng trồng để tạo nguồn nguyên liệu ổn định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý sản xuất cà phê bền vững…