Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Ngay sau thắng lợi của Chiến dịch biên giới 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập 3 lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa: Công an Biên phòng thuộc Bộ Công an, bố trí thành các đồn biên phòng dọc biên giới, trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới; Cảnh sát vũ trang thuộc Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ các trại giam, tham gia tiễu phỉ, trừ gian; các đơn vị Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ (gọi là bộ đội bảo vệ).
Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”. Nghị quyết xác định lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) nêu rõ “Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành 1 lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là CANDVT, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.
Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Từ đó, ngày 3/3 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CANDVT và BĐBP ngày nay.
Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP liên tục có sự phát triển về biên chế, tổ chức và nhiệm vụ, gắn liền với quá trình vận động, phát triển của tình hình, nhiệm vụ cách mạng của đất nước. Đồng thời lập nên nhiều chiến công hiển hách trong từng giai đoạn, góp phần đắc lực trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới. Ảnh: Vũ Duy Thương. |
Trong những năm qua, các đơn vị BĐBP luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, như: đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và các địa phương hoàn thành tốt công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tổ chức bảo vệ biên giới theo các văn bản pháp lý về biên giới và cửa khẩu mà nước ta đã ký kết với hai nước; đồng thời tích cực phối hợp với Ủy ban biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao và các tỉnh biên giới hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền với Vương quốc Campuchia.
Các đơn vị BĐBP tuyến biên giới biển đã phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng có liên quan quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh, trật tự khu vực biên giới biển. Tích cực tham gia đấu tranh phòng chống ma túy và tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ở khu vực biên giới, không để phức tạp kéo dài trở thành điểm nóng… phục vụ tốt chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, BĐBP đã làm tốt công tác vận động quần chúng góp phần đem đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, biển, đảo gắn công tác tuyên truyền, vận động với triển khai các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở…
Huy động sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ biên giới quốc gia
Từ thực tiễn hiệu quả của phong trào quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, ngày 22/02/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức Ngày Biên phòng trong cả nước, bắt đầu từ ngày 3/3/1989.
Trong 35 năm qua, các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương đã quán triệt, triển khai nghiêm túc hiệu quả 5 nội dung của Ngày Biên phòng toàn dân. Qua tuyên truyền, giáo dục đã phát huy trách nhiệm và sức mạnh của nhân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới, nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của nhân dân, cán bộ, nhân viên các cơ quan, đoàn thể ở biên giới làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng Nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới ở các địa phương.
Quân – dân tuần tra, dọn dẹp vệ sinh xung quanh cột mốc biên giới. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Qua thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình, chương trình, phong trào tiêu biểu của quần chúng Nhân dân bảo vệ an ninh biên giới Tổ quốc, các hình thức an ninh tự quản tại cộng đồng thôn, bản, làng, xã, giữ gìn trật tự địa bàn, như: Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”, “Người phụ nữ vì biên giới”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, “Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho con em các dân tộc”, “Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn vươn khơi bám biển”, “Họ đạo gương mẫu”, “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép”…
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và tham gia các chương trình phát triển kinh tế – xã hội trên biên giới, BĐBP đã chủ động tham mưu đề xuất và cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở các xã, phường, thị trấn biên giới, biển, đảo ngày càng vững mạnh; chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ, bổ sung kiện toàn bộ máy đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng; xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới.
Trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, các đơn vị BĐBP đã bám sát phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh; thường xuyên vận dụng tổng hợp các biện pháp công tác biên phòng, thông qua hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân để phát huy sức mạnh của quần chúng tại chỗ, đẩy lùi nhiều hoạt động lấn chiếm biên giới, xâm canh, xâm cư, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, không để xảy ra căng thẳng, đối đầu trên biên giới. Đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả nhiều vụ xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới; xua đuổi, bắt giữ hàng nghìn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển nước ta. Đồng thời, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng liên quan của các nước láng giềng thực hiện, triển khai đối ngoại biên phòng hai bên biên giới, tổ chức các hoạt động giao lưu biên giới nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị…
Hồng Hà
(Theo Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng)