Chiều 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ban, ngành hữu quan. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Năm 2023, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, duy trì đà tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: chinhphu.vn).
Về xây dựng nông thôn mới, đổi mới tổ chức sản xuất, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 78%), trong đó 1.612 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu. Đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 5.724 chủ thể tham gia…
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cả nước phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 – 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 – 55 tỷ USD; phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn phát biểu thảo luận tại hội nghị.
Thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn đã chia sẻ kết quả và kinh nghiệm của Đắk Lắk trong phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái tuần hoàn, cải thiện và nâng cao đời sống khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm tiếp tục phát triển hiệu quả nền nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn, bền vững như: kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì rà soát, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích, thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái tuần hoàn, cải thiện và nâng cao đời sống khu vực nông thôn; xem xét, sớm thành lập cơ quan kiểm dịch thực vật khu vực Tây Nguyên đứng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo ngành, lĩnh vực; Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, sớm triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu Quốc gia vùng Tây Nguyên và Khu công nghệ thông tin tập trung tại Đắk Lắk nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh, sinh thái tuần hoàn của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: chinhphu.vn).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của ngành Nông nghiệp cả nước trong năm 2023. Bước sang năm 2024, Thủ tướng đề nghị toàn ngành tập trung cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại; tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số; đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn…