11:14, 23/10/2023
Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Krông Pắc đang tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn của người chấp hành xong án phạt tù nhằm hướng dẫn, hỗ trợ và triển khai gói tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Người chấp hành xong án phạt tù trở về cư trú tại địa phương phải đảm bảo các điều kiện: có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội; thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn không quá 5 năm.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (bìa trái) đến hộ gia đình tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người chấp hành xong án phạt tù tại xã Ea Kly. |
Trên địa bàn huyện Krông Pắc hiện có 137 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, Ngân hàng CSXH huyện Krông Pắc đang tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, điều kiện thực tế của cá nhân và gia đình người chấp hành xong án phạt tù.
Ngân hàng CSXH sẽ cho vay thông qua hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù, đồng thời ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội. Mức vay vốn tối đa để người chấp hành xong án phạt tù thực hiện sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm là 100 triệu đồng/người và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay tối đa là 120 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Ngoài ra, người chấp hành xong án phạt tù còn có thể vay vốn đào tạo nghề với mức vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người. Cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù có thể được vay đến 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở.
Đinh Nga