08:08, 27/09/2023
Kỳ 2: Những “nút thắt” cần gỡ
Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã đạt được những kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng ở khu vực này vẫn còn những thách thức cần tháo gỡ.
Tỷ lệ khiêm tốn
Toàn Đảng bộ tỉnh hiện có 20 đảng bộ trực thuộc với 750 tổ chức cơ sở đảng, 13 đảng bộ bộ phận và 4.933 chi bộ trực thuộc đảng bộ; tổng số trên 85.900 đảng viên. Trong đó, mới chỉ có 92 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, gồm 7 đảng bộ cơ sở, 10 chi bộ cơ sở, 75 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số 977 đảng viên. Những con số so sánh cho thấy, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vẫn chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn.
Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất tỉnh. Tính đến ngày 30/6/2023, thành phố có 3.356 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 50 trường học ngoài công lập, 61 hợp tác xã, 1.296 doanh nghiệp tư nhân, 1.115 công ty trách nhiệm hữu hạn, 8 công ty cổ phần vốn nhà nước, 154 công ty cổ phần không có vốn nhà nước, 22.469 hộ kinh doanh cá thể và 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Việt Thắng (Cụm Công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar). Ảnh: M. Cường |
Thực hiện chủ trương của tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, tạo nguồn, phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Ban Thường vụ Thành ủy cũng thành lập Ban Chỉ đạo 457 về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân, trường học ngoài công lập trên địa bàn; rà soát nguồn để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động; tổ chức các hội nghị chuyên đề; phân công Thành ủy viên và yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn dự sinh hoạt cùng chi bộ trực thuộc; tăng cường kiểm tra, giám sát…
“Cái khó nhất trong phát triển đảng là tạo nguồn thì phần lớn các doanh nghiệp, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp lại có nguồn lực. Tuy nhiên, nếu chủ doanh nghiệp không đồng thuận, không tạo điều kiện thì vẫn rất khó để phát triển đảng” – Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Trần Quang Tân.
|
Tuy nhiên, kết quả thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố còn thấp so với số lượng các doanh nghiệp đủ điều kiện. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, thành phố thành lập mới được 5 chi bộ trong các đơn vị kinh tế tư nhân với 27 đảng viên, vượt chỉ tiêu đề ra nhưng nếu tính tổng thể, toàn thành phố cũng mới chỉ có 46 tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân với 576 đảng viên. Trong khi đó, số doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố đã có tổ chức công đoàn cơ sở là 69 doanh nghiệp với 5.257 đoàn viên do Liên đoàn Lao động thành phố quản lý.
Đâu là những trở ngại?
Chi bộ Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Việt Thắng (Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar) được thành lập từ năm 2013, hiện có 9 đảng viên. Sau gần 10 năm, đến nay chi bộ mới chỉ phát triển được 4 đảng viên mới. Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Huệ cho biết, Công ty hiện có trên 60 công nhân lao động, phần lớn tuổi còn trẻ. Thời gian qua, chi bộ, công đoàn cơ sở công ty tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục tư tưởng, động viên công nhân phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên, tạo điều kiện cho đi học lớp nhận thức về Đảng nhưng hầu hết người lao động đều không “mặn mà”. Nhiều năm, chi bộ không kết nạp được đảng viên nào. Một số người đã được vận động nhiều lần nhưng không muốn đi học, một số trường hợp đã được Công ty tạo điều kiện đi học lớp nhận thức về Đảng nhưng “lưỡng lự” không muốn làm hồ sơ. Năm 2023 này, chi bộ được giao chỉ tiêu kết nạp 2 đảng viên nhưng cũng chỉ phát triển được 1 trường hợp.
Công ty và Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Thép ASEAN hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: H. Gia |
Thêm nữa, nhiều lao động trong doanh nghiệp “ngại” phấn đấu vào Đảng đó là sợ mất thời gian, “ngại” về thủ tục, về sự ràng buộc bởi các quy định. Hơn nữa, có nhiều đảng viên đang làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp nhưng lại chưa có chi bộ đảng nên phải về sinh hoạt tại nơi cư trú, chưa tạo sự gắn kết với doanh nghiệp. Đơn cử như Nhà máy chế biến Cà phê Trung Nguyên (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) có trên 400 công nhân lao động nhưng 3 năm nay, không có công nhân nào của nhà máy được kết nạp Đảng. Nhà máy đã đề xuất Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc Công ty xem xét thành lập chi bộ nhưng chưa được quan tâm. Vì vậy, 5 đảng viên là cán bộ quản lý, công nhân của nhà máy đều phải sinh hoạt ghép tại Chi bộ Y tế, thuộc Đảng bộ phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột).
Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Buôn Ma Thuột Trần Vũ Cường, việc phát triển tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp khó khăn là do các đơn vị kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng lao động ít, tính ổn định không cao. Tại một số doanh nghiệp, người lao động chủ yếu quan tâm đến việc làm, thu nhập, ngại tham gia các tổ chức, đoàn thể. Một số chủ doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự quan tâm nhiều đến công tác phát triển đảng viên, chưa tạo điều kiện về thời gian cho công nhân, người lao động tham gia các lớp bồi dưỡng về Đảng và tham gia sinh hoạt Đảng vì lo sợ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Sát cánh cùng doanh nghiệp
Mạnh Cường – Hoàng Gia