06:08, 24/09/2023
Những bức ảnh màu đầu tiên ghi lại hình ảnh đất nước, con người Tây Nguyên được thực hiện bởi nhà nhiếp ảnh Charles Lemire, cách nay hơn 100 năm.
Chân dung Charles Lemire. Ảnh: Thư viện quốc gia Pháp |
Charles Lemire (1839 – 1912) là công sứ làm việc cho chính quyền thực dân Pháp. Từ năm 1886 -1888, ông được bổ nhiệm làm công sứ Pháp (résident) tại Quy Nhơn. Năm 1891, Lemire làm công sứ Pháp tại Touranre (Đà Nẵng) và Faifo (Hội An). Ông là người có công lớn, đầu tiên trong việc hình thành ý tưởng xây dựng Bảo tàng Văn hóa Champa. Năm 1892, Lemire đã vận chuyển 50 bức tượng điêu khắc Champa về Công viên Touranre; sau đó, ông tiếp tục sưu tầm và bổ sung vào bộ sưu tập lên đến 90 hiện vật điêu khắc Champa. Công viên này cũng nằm tại vị trí sau này người ta xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Năm 1893, Lemire kiến nghị lên quan chức chính quyền thuộc địa về việc xây dựng một bảo tàng để lưu giữ những tác phẩm điêu khắc nhằm lưu giữ nó tốt hơn.
Ngoài công việc chính, Lemire còn là nhà nhiếp ảnh nghiệp dư chuyên chụp về các công trình kiến trúc, điêu khắc Chăm tại miền Trung. Trong lúc làm công sứ ở Quy Nhơn, ông chụp khá nhiều bức ảnh về kiến trúc Champa ở Bình Định như tháp Bánh Ít, tháp Đôi, tháp Dương Long (tháp Ngà), tháp Cánh Tiên, tháp Bình Lâm, tháp Phú Thiện. Tháp Đôi (tháp Kiams), tháp Bánh Ít (tháp Bạc) do Lemire chụp vào năm 1888 được xem là những bức ảnh xưa nhất chụp về kiến trúc Champa tại miền Trung Việt Nam. Ngay Công viên Tourane, ông chụp nhiều ảnh toàn cảnh về sắp xếp, bố trí các bức tượng và đặc tả về một số tượng, đặc biệt là bức ảnh chụp các bộ phận của đài thờ Trà Kiệu (bảo vật quốc gia) mà ông đã có công mang về nơi đây.
Nếp nhà truyền thống của dân tộc Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Charles Lemire |
Vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Charles Lemire đến Tây Nguyên và đã đưa vào ống kính một số bức ảnh tư liệu quý giá về vùng đất này. So với bộ ảnh chụp về tháp và điêu khắc Chăm ở miền Trung thì hình ảnh chụp về Tây Nguyên của ông khá khiêm tốn. Một số ảnh tiêu biểu của ông về vùng đất này như kiến trúc nhà rông, trang phục lễ hội của một bộ tộc Bắc Tây Nguyên, voi nhà… Tuy nhiên, điều đáng nói, đây là những bức ảnh màu đầu tiên về Tây Nguyên. Chúng được tập hợp từ một số ấn phẩm khác nhau về Đông Dương, xuất bản tại Pháp vào khoảng thời gian trước năm 1910.
Bức ảnh tiêu biểu là ảnh chụp nhóm đông người ở Kon Tum (chú thích trong ảnh là Kon-toai). Trong bức ảnh có thể thấy một già làng đứng đầu hàng, bên phải của bức ảnh với bộ trang phục chỉnh tề, tiếp theo là hàng đàn ông đứng khoanh tay trong trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc Tây Nguyên là chiếc khố và tấm áo choàng quấn đơn sơ. Phía sau họ là những ngôi nhà sàn ngắn, mái cao nằm san sát nhau. Nhìn lối kiến trúc có thể phỏng đoán đây là nếp nhà truyền thống của dân tộc Bhanar. Bức ảnh màu thứ hai chụp kiến trúc nhà rông của dân tộc Xơ Đăng. Ngôi nhà rông trông rất bề thế, mái rộng và cao vút, lợp bằng tranh, sàn thấp với những hàng cột to và vững chắc. Mặt tiền nhà rông đan bằng những tấm phên bằng tre nứa với lối trang trí theo chiều ngang trông rất hài hòa và đẹp mắt. Trên nóc nhà rông có trang trí nhiều mô típ hoa văn, là điểm nhấn làm nên nét duyên dáng, đặc sắc của kiến trúc Tây Nguyên. Góc sân nhà rông có một cây nêu nhỏ, chứng tỏ dân làng vừa tổ chức một lễ hội mừng mùa “ăn năm uống tháng”. Phía sau và bên cạnh nhà rông là những ngôi nhà ở của các cư dân trong làng. Giữa ngôi nhà có gian “phòng lồi” trước mặt tiền, như lối kiến trúc tiêu biểu, phổ biến của dân tộc Xơ Đăng vẫn còn bảo lưu cho đến ngày nay.
Voi nhà Tây Nguyên. Ảnh: Charles Lemire |
Một bức ảnh màu khác chụp người nài ngồi trên lưng voi. Trong ảnh là con voi đực khỏe khoắn, có đôi ngà nhọn, cong, hơi hướng lên trên, nhìn dáng vẻ rất oai vệ của voi nhà Tây Nguyên thời bấy giờ. Nhà nhiếp ảnh đã tô màu rất hợp lý, không khác gì họa sĩ thực thụ khi giữ nguyên màu xám của thân hình con voi và phía sau là gam màu ửng vàng của những tấm phên đan bằng tre nứa và mái nhà tranh. Về đề tài voi, Charles Lemire có những bức ảnh tư liệu giá trị, tiêu biểu là ảnh chụp hai voi đá ở thành Đồ Bàn (Bình Định).
Thật thú vị khi trong bộ sưu tập ảnh của Charles Lemire lại có hình ảnh về vùng đất Tây Nguyên với gam màu khác lạ, độc đáo. Ảnh của ông được xuất bản thành sách ảnh, in bưu thiếp, lưu trữ tại Bảo tàng Musée de l’Homme ở Pháp. Nó thực sự quý giá trong kho tàng di sản tư liệu, rất cần thiết trong nghiên cứu văn hóa Chăm và văn hóa bản địa Tây Nguyên.
Tấn Vịnh