08:29, 22/09/2023
Đã gần 4 tháng trôi qua nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Hàm Long, xã Xuân Phú (Ea Kar) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau khi cháu Đặng Đình Văn (SN 2012) đột ngột qua đời vì tai nạn đuối nước.
Gia đình chị Hường thuộc diện hộ nghèo, không có việc làm ổn định nên tranh thủ mấy tháng nghỉ hè đã gửi ba đứa con cho bà nội, bà ngoại trông giúp để đi làm thuê ở Bình Dương. Văn là con trai đầu của gia đình chị. Cháu thông minh, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn, thường giúp mẹ chăm sóc em trai thứ hai bị bại não. Ngày 21/5/2023, bà cũng đi làm thuê, Văn ở nhà một mình, được bạn rủ đi bắt chim, tắm ao và đã không bao giờ trở về nữa. Chị Hường xót xa: “Xung quanh khu vực này nhiều ao, hục tích trữ nước để sản xuất. Văn chưa biết bơi nên gia đình luôn căn dặn cháu không được đến gần. Đó là lần đầu tiên cháu tắm ao nhưng cũng là buổi cuối cùng”.
Theo khảo sát của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ea Kar, từ năm 2020 đến nay, trong số 23 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích thì có đến 19 trường hợp bị tai nạn đuối nước. Riêng năm 2020, huyện có 8 trẻ em bị tử vong do đuối nước; trong 8 tháng đầu năm 2023, đã có 5 trường hợp bị đuối nước. Tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn huyện có nhiều nguyên nhân, nhưng qua thống kê các trường hợp tử vong thì chủ yếu do các nguyên nhân như: sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội chưa thường xuyên, sâu sát. Các em chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm sông, suối, ao hồ. Trong khi đó, trên địa bàn huyện có nhiều ao, hồ, sông, suối nhưng hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa đầy đủ, nhất là ở các ao tự đào.
Giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) dạy bơi cho học sinh. |
Trước tình trạng này, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, trường học trên địa bàn huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, trong đó, cùng với triển khai xây dựng 16 xã, thị trấn đạt chuẩn phù hợp với trẻ em, huyện đã chọn xã Ea Kmút và Ea Ô để xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích”.
Từ các dự án tài trợ, huyện Ea Kar đã tổ chức 54 lớp dạy bơi cho trên 1.000 học sinh từ 6 – 15 tuổi thuộc 8 xã vùng dự án; đầu tư xây dựng bể bơi tại 11 trường tiểu học và THCS.
|
UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học; tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè; hướng dẫn các cơ sở, tổ chức, cá nhân về việc tổ chức dạy bơi, hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi và các dịch vụ liên quan cho học sinh, trẻ em.
Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất trong việc tổ chức dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, huyện Ea Kar cũng đã tập trung chỉ đạo, huy động, lồng ghép các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng bể bơi cho các trường học, đem lại hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn như vào cuối năm 2017, Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Ea Păl) đã được tài trợ xây dựng một bể bơi nổi, đem lại niềm vui cho rất nhiều học sinh trên địa bàn các xã: Ea Păl, Ea Ô và Cư Ni. Hay như Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Ea Sar) cũng đã được Quỹ cộng đồng Phòng tránh thiên tai TP. Đà Nẵng hỗ trợ 600 triệu đồng, UBND huyện Ea Kar đối ứng 150 triệu đồng để đầu tư xây dựng bể bơi vào năm 2020 giúp hơn 600 học sinh của trường được phổ cập bơi lội.
Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) được tài trợ xây dựng bể bơi, giúp học sinh được phổ cập bơi lội. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ea Kar Trần Đức Lương cho biết: Từ chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa, đã có 8 xã của huyện gồm: Cư Huê, Ea Kmút, Cư Ni, Ea Đar, Ea Sô, Ea Păl, Cư Prông, Cư Bông được chọn triển khai Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em Việt Nam” do Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ (GHAI) tài trợ. UBND huyện cũng đã kết nối với Quỹ cộng đồng Phòng tránh thiên tai TP. Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí xây dựng bể bơi cho các trường học. Để hoàn thiện các công trình này, ngoài nguồn vốn tài trợ trung bình 600 triệu đồng/công trình, UBND huyện Ea Kar đều đối ứng thêm vốn từ nguồn ngân sách huyện từ 150 – 300 triệu đồng/công trình.
Nguyễn Xuân