08:22, 20/09/2023
3. Cử tri là công nhân lao động cho biết, thời gian làm việc liên tục trong các khu công nghiệp, khu chế xuất khiến suy kiệt sức khỏe, ít có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Cử tri kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sớm sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng giảm giờ làm để công nhân lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí.
Bộ LĐ-TB&XH trả lời: Khoản 2 Điều 105 Bộ luật Lao động quy định: “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động”. Việc giảm giờ làm việc hằng tuần xuống 40 giờ là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế – xã hội (KT-XH). Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Công nhân Công ty Cổ phần Thép ASEAN trong ca làm việc. Ảnh minh họa: Lan Anh |
4. Cử tri đề nghị xem xét tăng cường, bổ sung nhiệm vụ chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (trong đó có nhiệm vụ truyền thống chính sách) nhằm tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho công tác chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở để bảo đảm bố trí nguồn lực tương xứng với nhiệm vụ được giao và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, trong đó ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các địa bàn khó khăn, PBGDPL cho đối tượng đặc thù.
Bộ Tư pháp trả lời: Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP, số 100/2014/TTLT-BTC-BTP trong phạm vi cả nước; phối hợp đề xuất xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở để thay thế hai thông tư liên tịch trên.
Trong quá trình phối hợp góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư, Bộ Tư pháp đã đề xuất bổ sung quy định một số nội dung chi, mức chi như: việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; nhiệm vụ truyền thông chính sách theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; nâng một số mức chi cụ thể để phù hợp với sự phát triển KT-XH trong giai đoạn hiện tại đáp ứng yêu cầu đổi mới triển khai công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở trong tình hình mới; quy định riêng về mức chi áp dụng cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù, yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn nhằm khuyến khích và tạo động lực thúc đẩy sự tham gia tích cực của đội ngũ làm công tác PBGDPL tại các địa bàn này. Hiện nay, dự thảo Thông tư đã được Bộ Tài chính thẩm định và đang khẩn trương hoàn thiện trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành.
5. Cử tri đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) quan tâm tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương về Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch cho tỉnh Đắk Lắk.
Bộ KH-ĐT trả lời: Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình để thực hiện trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Luật Đầu tư công năm 2019 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2012 – 2025 không quy định xây dựng chương trình mục tiêu, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 đã được bố trí vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hằng năm nhưng còn thiếu vốn được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 – 2025 và bố trí theo ngành, lĩnh vực theo quy định tại Nghị quyết số 973/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.
Căn cứ tại quy định khoản 6 Điều 49 và khoản 5 Điều 55 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, việc lựa chọn danh mục dự án và mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền của UBND và HĐND cấp tỉnh. Trên cơ sở tổng số vốn ngân sách Trung ương được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho tỉnh Đắk Lắk, việc tăng mức hỗ trợ ngân sách Trung ương cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh Đắk Lắk thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk.
Lan Anh (tổng hợp)
(Còn nữa)