08:30, 20/09/2023
Do chưa được đầu tư đập tràn giữ nước đầu nguồn và hệ thống kênh mương thủy lợi nên nhiều năm nay, người dân tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk) luôn phải đối diện với cảnh thiếu nước, canh tác phụ thuộc vào thời tiết.
Ba buôn Đung, Năm và buôn Jie Yuk (xã Đắk Phơi) có 521 hộ (với 2.620 nhân khẩu) chủ yếu sinh sống nhờ vào nghề trồng lúa và cà phê. Vùng sản xuất của người dân ba buôn có diện tích 300 ha, trong đó có 70 ha đất trồng lúa và 230 ha đất trồng cà phê. Từ trước đến nay, nguồn nước phục vụ cho việc sản xuất của người dân nơi đây đều phụ thuộc vào suối Đắk Phơi.
Theo người dân địa phương, do không có đập tràn giữ nước đầu nguồn nên đến mùa khô, các nhánh nhỏ của suối Đắk Phơi chảy qua cánh đồng bị khô cạn, không có nước để tưới cho cây trồng.
Bên cạnh đó, cánh đồng tại ba buôn này vẫn chưa có hệ thống kênh mương dẫn nước nên nếu muốn có nước tưới, người dân phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để mua sắm máy bơm, ống dẫn, xăng dầu… để đưa nước từ suối về ruộng, rẫy.
Tuy nhiên, bà con tại ba buôn này hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 90%), đời sống còn nhiều khó khăn nên hiếm có hộ nào có điều kiện đầu tư chi phí để bơm nước từ suối về ruộng. Chính vì vậy, hầu hết người dân nơi đây phải canh tác, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết.
Chỉ không có mưa trong vòng một tuần là đất trồng lúa của bà con buôn Jie Yuk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) sẽ bị khô hạn. |
Gia đình chị H’Nghịt Liêng (buôn Năm) có 6 sào lúa và 4 sào cà phê, nằm cách nhánh suối Đắk Phơi khoảng 500 m nhưng lâu nay luôn lâm vào cảnh thiếu nước tưới cho cây trồng vào mùa khô. Để có nước tưới cho cây trồng, gia đình chị đã mua máy bơm, ống dẫn để bơm nước từ suối Đắk Phơi về. Mỗi lần tưới như vậy gia đình chị tốn khoảng 600 nghìn đồng tiền dầu. Theo chị H’Nghịt, với cây cà phê thì sau 3 – 4 tuần mới cần phải tưới lại, nhưng khi trồng lúa vào mùa khô, gia đình chị cần phải duy trì lượng nước thường xuyên trong ruộng nên một tuần phải bơm nước ba lần, chi phí tưới tiêu còn nhiều hơn mua gạo.
“Sản xuất, canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên nhiều năm qua, người dân ba buôn Đung, Năm và Jie Yuk luôn sống trong cảnh “thiếu trước hụt sau”. Hiện nay số hộ nghèo của ba buôn là đông nhất toàn xã, với 122 hộ” – bà H’Bing Liêng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi.
|
Chị H’Nghịt than thở: sau mỗi vụ mùa, gia đình cũng chỉ thu hoạch được 30 – 40 bao lúa tươi. Cả nhà có đến 8 nhân khẩu nên với số lượng lúa thu được này phải dùng “dè sẻn” lắm mới duy trì được đến cuối năm. Đầu năm, chị đã phải xoay xở đi mua hoặc vay mượn gạo, chờ đến thu hoạch vụ lúa hè thu mới có trả. Còn với 4 sào đất trồng cà phê cũng chỉ thu được khoảng 1 tấn cà phê nhân/năm, sau khi trừ chi phí tưới tiêu, chăm bón, chỉ dư được một khoản để lo chi phí cho con cái ăn học nên mãi vẫn quanh quẩn trong nghèo đói.
Cũng như gia đình chị H’Nghịt, mặc dù có 1,2 ha đất trồng lúa nhưng gia đình chị H’My Liêng (buôn Năm) vẫn thường xuyên rơi vào cảnh thiếu lúa ăn vào mùa giáp hạt vụ hè thu.
Theo chị H’My, dù có diện tích trồng lúa lớn, nhưng lại nằm cách xa suối Đắk Phơi hơn 2 km lại không có điều kiện để sắm máy bơm, ống dẫn nước vào ruộng khiến việc trồng lúa của gia đình chị chỉ biết trông chờ vào thời tiết.
Việc canh tác lúa cần nguồn nước thường xuyên nhưng có những năm hạn giữa mùa mưa, chỉ cần một tuần không mưa là đất đai khô cằn khiến năng suất lúa của gia đình chị không ổn định. Mỗi vụ hè thu, gia đình chị chỉ thu hoạch được khoảng 50 – 60 bao lúa khô.
Bởi vậy, để tránh tình trạng thiếu lương thực, gia đình chị chấp nhận “đánh liều” gieo trồng thêm vụ thu đông, nếu thời tiết mưa nhiều thì có thu hoạch, còn ngược lại thì mất chi phí mua giống, phân bón.
Chị H’My cho hay: “Do không chủ động được nguồn nước tưới để canh tác nên năm nào gia đình tôi cũng chỉ mong “mưa thuận gió hòa” để có đủ lúa ăn chứ không dám nghĩ đến chuyện có dư. Hy vọng Nhà nước sớm quan tâm đầu tư xây đập tràn và hệ thống kênh mương dẫn nước để bảo đảm việc tưới tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất”.
Vào mùa khô, do không có đập tràn đầu nguồn suối Đắk Phơi nên các nhánh suối bị khô cạn, nhiều ruộng lúa nằm bên cạnh suối nhưng vẫn bị thiếu nước. |
Bà H’Bing Liêng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi cho biết, trong các đợt tiếp xúc cử tri với lãnh đạo tỉnh, UBND huyện, đại biểu của các buôn Đung, Năm và Jie Yuk đã liên tục đề xuất, kiến nghị Nhà nước sớm quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng đập tràn giữ nước đầu nguồn và hệ thống kênh mương thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương thực hiện.
Chính quyền xã rất mong UBND huyện, các ban, ngành liên quan sớm ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng đập tràn đầu nguồn suối Đắk Phơi và hệ thống kênh mương thủy lợi nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước tưới, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp của người dân.
Từ đó, giúp bà con trồng thêm được 2 – 3 vụ lúa/năm để nâng cao năng suất, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Khánh Huyền – Tuyết Mai