08:22, 20/09/2023
Tình trạng tranh mua, tranh bán giữa doanh nghiệp – thương lái – nông dân hiện nay đang đặt ra cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam nhiều vấn đề cần chấn chỉnh trước nguy cơ chất lượng sầu riêng đang có chiều hướng đi xuống.
Nhiều cảnh báo về chất lượng
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 8 tháng của năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đã mang về cho Việt Nam 1,2 tỷ USD, là nhóm hàng đóng góp lớn kỷ lục khi chiếm đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Dự kiến xuất khẩu sầu riêng cả năm nay có thể đạt 1,5 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với năm 2022.
Bên cạnh tín hiệu tích cực về thị trường và giá bán, ngành hàng này cũng đối mặt với những cảnh báo khi sầu riêng xuất khẩu liên tục bị phản ánh về chất lượng chưa đảm bảo.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), gần đây đơn vị liên tục nhận được thông báo việc không tuân thủ những yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm trái cây, trong đó có sầu riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023, lực lượng kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu Việt Nam đã phát hiện 370 lô chuối, xoài, thanh long, sầu riêng và mít bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật (các loại sâu bệnh, rệp sáp…), liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của 13 tỉnh, trong đó có Đắk Lắk. Đặc biệt, số lượng những lô hàng sầu riêng phát hiện các đối tượng kiểm dịch thực vật ngày càng gia tăng.
Cơ sở đóng gói sầu riêng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã có thông báo về việc phát hiện một số lô hàng trái cây bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản yêu cầu 11 địa phương liên quan tập trung khắc phục lỗi vi phạm kiểm dịch thực vật, trong đó có 74 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm lần đầu bị đề nghị tạm dừng xuất khẩu và 47 mã số bị đề nghị thu hồi. Trong số 11 địa phương, Đắk Lắk có 6 mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói nhận thông báo vi phạm lần đầu đề nghị tạm dừng (4 mã sầu riêng, 2 mã chuối); 3 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần đề nghị thu hồi (1 mã sầu riêng và 2 mã chuối).
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương, việc không kiểm soát hiệu quả những đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Đây là vấn đề cảnh tỉnh để tất cả doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, cơ sở đóng gói phải nghiêm túc thực hiện đúng các yêu cầu của Nghị định thư. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc quyết liệt, cần rà soát lại tất cả các khâu, kịp thời ngăn ngừa tình trạng sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định, mạo danh mã số vùng trồng…
Cần sớm xây dựng tiêu chuẩn ngành hàng
Hiện nay, sầu riêng Việt Nam không chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, mà sầu riêng tươi đã xuất khẩu đi 24 thị trường, với sản lượng hơn 300.000 tấn (trong 8 tháng của năm 2023). Ngoài ra, sầu riêng đông lạnh cũng đã xuất khẩu đến 23 thị trường. Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng và đang có nhiều dư địa cần tập trung phát triển. Vấn đề của Việt Nam là cần bảo đảm được tổ chức sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Công nhân của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn tách múi sầu riêng để cấp đông xuất khẩu. Ảnh: Minh Thông |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cái được của sầu riêng khi xuất khẩu chính ngạch là sự quan tâm của các địa phương; tính chuyên nghiệp của nông dân, DN cũng nâng lên; nhà đóng gói cũng quan tâm nhiều đến việc kiểm soát dịch bệnh gây hại trên quả… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật cần khắc phục. Trước hết là tỷ lệ giám sát các mã vùng trồng chưa cao; chất lượng kiểm soát vùng trồng, mã có cơ sở đóng gói ban đầu để gửi sang Trung Quốc phê duyệt cũng chưa được tốt (20 – 30% bị từ chối phê duyệt); bản thân vùng trồng chưa được quản lý tốt sau khi đã được phê duyệt mã số…
Theo phân tích của các DN, ngay từ năm 2020 đã có nhiều đơn vị thu mua lớn của Việt Nam tham gia vào sản xuất, liên kết, nhưng đến nay vẫn không có ai thực sự thành công, thỏa mãn trong mong muốn liên kết của mình. Một trong những nguyên nhân là do không có tiêu chuẩn ngành hàng khiến việc liên kết gặp khó khăn, DN không có căn cứ để xây dựng chính sách liên kết cụ thể, chặt chẽ. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cần sớm xây dựng tiêu chuẩn ngành hàng về vùng trồng, giống; quy trình, cách thức thu hoạch, bảo quản… Từ đó, phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, là cơ sở để phát hiện sai phạm nhằm kịp thời chấn chỉnh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ thoái thác trách nhiệm mà bởi vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các DN cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia.
Minh Thuận