08:22, 20/09/2023
Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh sầu riêng chưa ổn định, thiếu bền vững như hiện nay, đã có nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm góp phần giải quyết tình trạng này.
Phóng viên Báo Đắk Lắk ghi nhận một số ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, bảo vệ thương hiệu sầu riêng Việt Nam nói chung, sầu riêng Đắk Lắk nói riêng.
♦ Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp: Chú trọng đầu tư công nghệ cho sản phẩm sầu riêng
Sầu riêng Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines về đầu tư khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến. Do đó, ngoài xuất khẩu sản phẩm tươi, Việt Nam cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ để phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đông lạnh để đa dạng hóa sản phẩm, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, để cấu trúc lại ngành hàng sầu riêng, phải gỡ được 6 “nút thắt”, đó là: tăng trưởng nóng; cạnh tranh không lành mạnh trong mua, bán sản phẩm; hạn chế về hạ tầng chế biến; quản trị chất lượng chưa tốt; chuỗi liên kết chưa bền vững; nguồn nhân lực, quy trình chuẩn còn thiếu. Một trong những giải pháp cho các vấn đề nêu trên là phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở để có những chính sách điều hành, ứng phó kịp thời.
♦ Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Nền nông nghiệp hiện đại phải được tổ chức theo chuỗi giá trị
Nền nông nghiệp hiện đại không thể là nền nông nghiệp tự cạnh tranh lẫn nhau mà phải được tổ chức theo chuỗi giá trị. Trong chuỗi giá trị, yếu tố giá rất khó quản trị, do đó, hợp tác xã, doanh nghiệp, chính quyền địa phương nên hỗ trợ phúc lợi cho nông dân (hỗ trợ giảm giá thành sản xuất; thông tin thị trường; tiếp cận nguồn tín dụng…) sẽ tốt hơn so với việc ký hợp đồng đơn thuần.
♦ Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Auto Agri: Việc thực thi các văn bản luật chậm trễ đang là rào cản
Hiện nay, Điều 64 của Luật Trồng trọt về quản lý và cấp mã số vùng trồng rất phù hợp với hội nhập quốc tế, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc, nhưng chúng ta thực thi quá chậm. Luật có hiệu lực ba năm (từ ngày 1/1/2020 – 22/4/2023), nhưng đến nay Bộ NN-PTNT vẫn chưa ban hành đầy đủ các văn bản. Trong khi áp lực thị trường, nguồn cung hàng hóa đang tạo tiêu cực trong cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói; chính quyền, cơ quan chuyên môn cũng bị rối, không biết làm thế nào. Chính sự chậm trễ này cũng khiến cho các tỉnh thành không có căn cứ để triển khai, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, xây dựng mã vùng trồng. Hy vọng trong thời gian tới đây, Bộ NN-PTNT nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển ngành hàng bền vững.
♦ Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk): Cần ưu đãi về giá cho những sản phẩm sầu riêng có mã vùng trồng
Thực tế tại hợp tác xã cho thấy, những mã số vùng trồng được bà con làm chuẩn, bài bản, như: ghi chép nhật ký; theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… đáp ứng đầy đủ điều kiện xuất khẩu thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những vườn không có mã vùng trồng. Trong khi đó, giá trị sầu riêng đang rất cao, chỉ cần chênh lệch một vài giá/kg thì số tiền nông hộ bị mất đi hoặc tăng thêm có thể tính bằng vài chục triệu đồng/ha. Do đó, để hạn chế thấp nhất tình trạng người dân phá vỡ hợp đồng liên kết, tôi mong muốn Nhà nước, doanh nghiệp có chính sách ưu đãi về giá đối với sản phẩm có mã vùng trồng để khuyến khích người dân tuân thủ, gắn kết hơn với chuỗi liên kết, nông hộ cũng yên tâm tổ chức sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu.
Thuận Nguyễn (thực hiện)