08:20, 19/09/2023
Tuy đã bước vào cuối quý III năm 2023, nhưng toàn tỉnh vẫn còn một lượng vốn đầu tư công chưa phân bổ và tỷ lệ giải ngân cũng không mấy khả quan. Đáng quan ngại hơn, còn nhiều đơn vị vẫn đang “dậm chân” tại vạch xuất phát.
Trên 3.723 tỷ đồng chưa giải ngân
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 ngân sách tỉnh quản lý để thực hiện dự án là trên 5.667 tỷ đồng, trong đó đã giao chi tiết cho từng dự án trên 5.505 tỷ đồng, còn lại trên 161 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương chưa phân bổ.
Đối với vốn kế hoạch năm 2023, tính đến ngày 31/8/2023 đã giải ngân trên 1.782/5.505 tỷ đồng, bằng 32,4% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân trên 822/3.377 tỷ đồng, bằng 24,4% kế hoạch và nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân được gần 960/2.128 tỷ đồng, bằng 45,1% kế hoạch.
Chỉ ra nguyên nhân tình hình giải ngân vốn dù có cải thiện so với cùng kỳ, nhưng chưa bảo đảm yêu cầu đề ra, Giám đốc Sở KH-ĐT Đinh Xuân Hà cho rằng, ngoài những nguyên nhân “truyền thống” như chậm giải phóng mặt bằng, chậm thực hiện thủ tục lập, phê duyệt dự án đầu tư và trình phê duyệt quyết toán dự án… thì năm 2023 nổi lên vấn đề thiếu đất đắp cho công trình do chưa hoặc chậm quy hoạch mỏ đất và thiếu vốn để thực hiện giải ngân do việc thu tiền sử dụng đất còn chậm.
Thi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. |
Bên cạnh đó, một số dự án vừa giao vốn trong tháng 4, tháng 5 và tháng 7/2023, với tổng số hơn 815 tỷ đồng. Trong đó riêng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 vừa mới giao trong tháng 5/2023 là 686 tỷ đồng hiện đang tiến hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa thực hiện giải ngân.
Ngoài ra, năm 2023 có 28 dự án khởi công mới, với số vốn trên 1.883 tỷ đồng (chiếm 38,9% kế hoạch vốn), nhưng mới chỉ giải ngân được 206 tỷ đồng, bằng 10,94% kế hoạch. Còn lại hơn 1.633 tỷ đồng chưa giải ngân, trong đó một số dự án lớn đang thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng hoặc đang tổ chức lựa chọn nhà thầu nên chưa có khối lượng để giải ngân.
Chẳng hạn như Dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, kế hoạch vốn năm 2023 là 286 tỷ đồng, nhưng còn gần 280 tỷ đồng chưa giải ngân; Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 1.359 tỷ đồng nhưng còn gần 1.036 tỷ đồng chưa giải ngân…
Máy móc tập trung tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 |
Những đơn vị “dậm chân” tại vạch xuất phát
Dù đã gần hết quý III/2023 nhưng tỷ lệ giải ngân của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vẫn ở vạch xuất phát với 0%. Năm 2023, đơn vị được bố trí hơn 19,8 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn ODA của Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023), trong đó Trung ương cấp phát hơn 13,9 tỷ đồng, tỉnh vay lại hơn 5,9 tỷ đồng.
Căn cứ kế hoạch vốn được giao, Ban Quản lý dự án thuộc Sở TN-MT đã ký đơn rút hơn 6,1 tỷ đồng gửi Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính phê duyệt thủ tục rút vốn. Tuy nhiên, đơn rút vốn không được phê duyệt vì sử dụng kế hoạch vốn vay lại năm 2022 kéo dài sang năm 2023. Đến ngày 21/7/2023, Sở TN-MT mới được UBND tỉnh giao vốn ODA vay lại của kế hoạch năm 2023.
Thế nhưng thời điểm này lãnh đạo đơn vị có sự thay đổi nên nếu muốn rút vốn thì phải làm các thủ tục bổ nhiệm, đăng ký lại chủ tài khoản để rút vốn với WB thông qua Bộ Tài chính. Chính vì vậy nguồn vốn được bố trí năm 2023 của dự án này vẫn đang “nằm yên bất động”.
Cũng trong số đơn vị tỷ lệ giải ngân thấp, Sở Y tế đến nay mới chỉ giải ngân được 1,65% vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023. Đơn vị này là chủ đầu tư của hai dự án: Đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và Đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Trung tâm Y tế huyện M’Drắk, với tổng vốn được giao trong giai đoạn 2022 – 2024 là 56 tỷ đồng (mỗi dự án 28 tỷ đồng), trong đó vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 là 39,8 tỷ đồng, đến nay đơn vị mới giải ngân được 661 triệu đồng/39,8 tỷ đồng. Còn lại 16,2 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương bố trí năm 2023 thì chưa giải ngân được đồng nào. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân chậm được cho là do đến hết tháng 12/2022, đơn vị mới được bố trí vốn năm 2022 nên không kịp triển khai. Theo lãnh đạo Sở Y tế, sau khi được bố trí vốn, Sở đã bám sát kế hoạch của UBND tỉnh để triển khai. Đến nay nhiều hạng mục đã vượt kế hoạch đề ra. Dự kiến đến hết năm 2023, Sở sẽ nghiệm thu khối lượng hoàn thành của nhà thầu và tiến hành giải ngân theo quy định.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh tính đến hết tháng 7. Đồ họa: Đức Văn |
Là đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh (dưới 5%), Sở KH-ĐT đang là chủ đầu tư của hai dự án: Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 và Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk.
Đối với Dự án quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 được Hội đồng thẩm định Bộ KH-ĐT thông qua có chỉnh sửa ngày 25/4/2023. Sau khi cập nhật, rà soát, hoàn thiện các nội dung có liên quan và trên cơ sở thống nhất chủ trương của UBND tỉnh, đơn vị đã trình lại Hội đồng thẩm định Bộ KH-ĐT cho ý kiến rà soát. Dự kiến quý IV/2023 mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên chưa có khối lượng để giải ngân.
Còn Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk, ngày 14/7/2023 mới được HĐND tỉnh thống nhất nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, gồm bổ sung các hạng mục từ nguồn vốn dư và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/6/2024 nên chưa giải ngân được.
Khả Lê