06:49, 14/09/2023
Sau hơn một năm thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 25/3/2022 của Ban Thường Tỉnh ủy về “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022 – 2026” (gọi tắt là Đề án 07) tại huyện Lắk đã bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong tập quán sản xuất của người dân nơi đây.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Lắk là huyện nghèo của tỉnh, trong đó dân tộc thiếu số (DTTS) chiếm trên 63%, với tập quán sản xuất lạc hậu. Sau hơn một năm thực hiện Đề án 07, bà con đồng bào DTTS huyện Lắk đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.
Cán bộ khuyến nông xã Yang Tao (huyện Lắk) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con dân tộc thiểu số tại địa phương. |
Từ lúc triển khai đề án đến nay, địa phương đã tổ chức 25 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn quả, hoa màu; kỹ thuật chăn nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè, bò sinh sản, heo rừng lai, gà thả vườn… với 833 lượt nông dân tham gia. Song song với tập huấn, địa phương còn lồng ghép thực hiện trong các phong trào thi đua, những cuộc vận động do các hội, đoàn thể phát động, như: xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp; phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình…
Tại xã Buôn Tría, cùng với việc tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Hội LHPN xã còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho chị em vay vốn với lãi suất thấp; hướng dẫn trồng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhờ vậy, nhiều bà con, đặc biệt là phụ nữ DTTS đã thay đổi tư duy, tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Điển hình là gia đình chị H’Nam Hđruê (thôn Buôn Tría), năm 2022, sau khi được Hội LHPN xã hỗ trợ vay 5 triệu đồng từ nguồn quỹ khởi nghiệp và 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng chị đã mạnh dạn mua phân bón, cải tạo lại 1 sào đất trồng cà phê sang trồng cam. Không dừng lại ở đó, gia đình chị tiếp tục mạnh dạn vay mượn để mua thêm đất sản xuất, mở rộng diện tích đất trồng cà phê lên 2 ha và 8 sào đất trồng lúa. “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật mà gia đình tôi đã thay đổi tư duy sản xuất để phát triển kinh tế, đang từng bước vươn lên thoát nghèo”, chị H’Nam chia sẻ.
Cải thiện sinh kế
Xã Yang Tao là một trong những địa phương đã xây dựng và triển khai thành công mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả. Từ nguồn giống cây ăn trái (như mít Thái, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, dừa xiêm…) vận động được từ các đơn vị kết nghĩa, doanh nghiệp, xã đã cấp phát cho các hộ nghèo, cận nghèo trồng trên phần đất hoa màu kém hiệu quả hoặc bị bỏ trống, với diện tích ban đầu là 2,5 ha. Cùng với việc hỗ trợ cây giống, UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn trái cho người dân; thành lập hai tổ công tác thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc trồng và bảo vệ cây trồng của từng hộ dân.
Vườn mít của gia đình bà Trinh Kuan (buôn Dơng Guôl, xã Yang Tao, huyện Lắk) sinh trưởng và phát triển tốt. |
Sau hai tháng triển khai mô hình, các giống cây đều sinh trưởng, phát triển tốt và tỷ lệ sống trên 97%. Nhận thấy cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, nhiều hộ dân đã chủ động bỏ vốn mua thêm cây giống để mở rộng quy mô trồng. Đơn cử như hộ bà Trinh Kuan (buôn Dơng Guôl) trước đây có 1 ha đất trồng bắp, nhưng do đất cằn cỗi cộng với thiếu nước nên hiệu quả không cao. Đầu năm 2022, sau khi được UBND xã cấp phát 55 cây giống mít Thái, bà đã trồng thử trên một phần diện tích đất rẫy. Sau hai tháng chăm sóc, thấy cây mít phát triển tốt nên bà đã mạnh dạn mua thêm 500 cây giống để trồng. Bà Trinh cho hay: “Sau hơn một năm trồng, tôi nhận thấy cây mít rất phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây nên sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện, một số cây mít đã bắt đầu cho thu bói, có thương lái vào tận vườn thu mua với giá 18.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc trồng bắp trước kia”.
Theo Chủ tịch UBND xã Yang Tao H’Loan Uông, đến nay mô hình “Cải tạo vườn tạp gắn với cây ăn trái” đã hỗ trợ 7.133 cây giống, cấp cho 1.473 hộ dân trồng trên tổng diện tích 38 ha, trong đó có 20 ha đã cho thu hoạch với sản lượng đạt 300 tấn/năm. Từ mô hình này đã phần nào giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, cải thiện sinh kế.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk Đào Thị Thanh An cho biết, địa phương xác định Đề án 07 là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng để từng bước phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa của đề án; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ bà con áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Khánh Huyền – Tuyết Mai