16:29, 28/08/2023
Sáng 28/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chủ trì phiên họp trực tuyến thứ 4 với các địa phương về tình hình thực hiện các chương trình MTQG từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Tại điểm cầu Đắk Lắk, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, cùng đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện các chương trình MTQG của Ban Chỉ đạo các cấp được triển khai thường xuyên, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Hà Nội. |
Trong giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương đã phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương để thực hiện chương trình MTQG là trên 83,6 nghìn tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư công trên 48,2 nghìn tỷ đồng (bằng 47,24% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025); kinh phí sự nghiệp gần 35,4 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2023, giải ngân vốn đầu tư công của các chương trình MTQG ước trên 16,3 nghìn tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.
Về tình hình thực hiện các chương trình MTQG, tính đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ước còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Cả nước có 6.022 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 11,3% so với cuối năm 2020; có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển (gồm ngân sách Trung ương và của tỉnh) thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023 là gần 2,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,25% tổng vốn giai đoạn 5 năm (2021-2025). Tính đến 25/8/2023, các chủ đầu tư đã thực hiện và giải ngân được gần 755,4 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 giải ngân được gần 122 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch; năm 2022 giải ngân được hơn 357,3 tỷ đồng, đạt 51%; năm 2023 giải ngân trên 276,1 tỷ đồng, đạt 25,41% kế hoạch. Ngoài ra, hơn 1,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp hằng năm giai đoạn 2021-2023 cũng đã được tỉnh Đắk Lắk phân bổ xong cho các chương trình MTQG.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn chủ trì phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã chỉ ra nhiều hạn chế, nhất là kết quả giải ngân vốn các chương trình MTQG chưa đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, một số nội dung thuộc dự án 2, dự án 9 (của Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); dự án 1, dự án 4 (của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) chưa được thực hiện, chưa giải ngân được nguồn vốn ngân sách nhà nước. Do vậy, dự kiến khó hoàn thành mục tiêu giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn trong năm kế hoạch.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: trong thời gian tới, phải phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG; nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động vốn tính dụng chính sách.
Tăng cường lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu ngay từ quá trình phân bổ, sử dụng nguồn lực tại các địa phương bảo đảm có trọng tâm trọng điểm, tránh trùng chồng chéo, dàn trải.
Song song với đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng địa phương để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch giao hằng năm và giai đoạn của từng chương trình.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ những vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn, nhất là vốn sự nghiệp để có giải pháp kịp thời nhằm hoàn thành những mục tiêu của các chương trình MTQG trong giai đoạn này.
Minh Thuận