09:14, 16/07/2023
Cách trung tâm TP. Đà Lạt 12 km về phía Bắc là núi Lang Biang sừng sững. Do núi có hai đỉnh nên còn được gọi là núi Ông và núi Bà.
Các bô lão người K’Ho kể rằng, ngày xưa chàng K’Lang (người Lát, một nhánh của dân tộc K’Ho) yêu người con gái tên H’Biang (người Chil, một nhánh của dân tộc K’Ho). Nhà K’Lang và H’Biang đều ở dưới chân núi, họ tình cờ gặp nhau trong một lần lên rừng hái quả. H’Biang gặp nạn và chàng K’Lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói hung dữ. Từ đó, cả hai đã cảm mến, đem lòng yêu nhau nhưng do lời nguyền giữa hai tộc người mà H’Biang không thể lấy K’Lang làm chồng. Vượt qua tục lệ khắt khe, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau. Họ trở thành vợ chồng và bỏ đến một nơi trên đỉnh núi để sinh sống.
Hai pho tượng của đôi tình nhân K’Lang – H’Biang. |
Năm ấy, H’Biang bị bệnh, K’Lang tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi. Chàng đành quay về báo cho buôn làng để tìm cách cứu nàng. Kết thúc câu chuyện, H’Biang bị chết do nàng đỡ mũi tên có tẩm thuốc độc của buôn làng nhắm bắn K’Lang. Đau buồn khôn xiết, K’Lang đã khóc rất nhiều, nước mắt chàng tuôn thành suối lớn, ngày nay gọi là Dankia (suối Vàng). Sau cái chết của hai người, cha H’Biang rất hối hận, đứng ra thống nhất các bộ tộc thành một dân tộc có tên là K’Ho. Từ đó các đôi nam nữ trong làng dễ dàng đến với nhau. Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’Lang và nàng H’Biang chết được đặt lên là Lang Biang – tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ hai người và tình yêu của họ.
Người K’Ho lý giải rằng, Klăng – Biêng là núi Bà – núi Ông. Từ tên gọi này, người Pháp phiên âm là Lang Biang hay Langbian, sau đó người Kinh phiên âm thành Lâm Viên.
Hai đỉnh của ngọn núi Lang Biang đến nay vẫn còn được giữ hầu như nguyên vẹn rừng nguyên sinh nên hệ động thực vật ở đây còn bảo lưu được rất nhiều loài và những bộ gen quý hiếm, có nhiều loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Núi Lang Biang có những loại cây lâu năm, thân rất lớn như chò sót, chò nước, pơmu, thông nàng, thông tràm, thông năm lá, thông hai lá dẹt, ngo tùng… nhưng chủ yếu là thông ba lá. Lang Biang còn có một số loại cây thuốc quý như: đại bi, nam sâm, ngưu tất nam, bổ cốt toái, hoàng liên ô rô…
Các nhà khảo cứu đã tìm được hơn 300 loài lan rừng ở vùng núi này. Chim ở đây cũng rất phong phú về chủng loại, có nhiều loại quý hiếm ở Lang Biang mà nơi khác không có. Các loại thú rừng cũng rất đa dạng về chủng loại như: trăn, chồn, nai xám, hươu vàng, sóc bay, sóc vằn, gấu chó, khỉ, vượn đen, trĩ sao, công, gà lôi lông tía… Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái, môi trường, động thực vật, côn trùng; phục vụ cho nghiên cứu và du lịch dã ngoại.
Nhiều dịch vụ du lịch phục vụ du khách khi tham quan Lang Biang. |
Tham quan, khám phá Lang Biang bằng xe chuyên dùng, du khách sẽ có cảm giác lý thú khi xe chạy trên đường đèo đất đỏ quanh co giữa rừng thông cổ thụ bạt ngàn, nối tiếp. Dừng chân trên đồi Dankia (Radar) là điểm cao nhất mà xe chuyên dùng có thể đến được, từ độ cao 1.950 m so với mực nước biển, du khách có thể ngắm được toàn cảnh TP. Đà Lạt và nhìn chi tiết bằng kính viễn vọng, thấy được hồ Dankia – suối Vàng với dòng suối quanh co uốn lượn từ đầu nguồn. Xa xa, TP. Đà Lạt hiện ra với những ngôi nhà ẩn hiện xen lẫn giữa núi và rừng thông đẹp tựa bức tranh. Đặc biệt, điều ấn tượng nhất tại đây, chính là hai pho tượng của đôi tình nhân K’Lang – H’Biang “trơ gan cùng tuế nguyệt” như minh chứng cho mối tình thủy chung, bất diệt.
Ngoài ra, núi Lang Biang là nơi lý tưởng tổ chức mở lớp huấn luyện bay dù lượn, leo vách đá bằng dây. Đây là những môn thể thao mạo hiểm mà du khách rất ưa thích. Bên cạnh đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cũng là những điểm nhấn thu hút du khách đến với nơi đây.
Hẹn hò trên đỉnh Lang Biang là một cách tuyệt vời để tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hưởng “tuần trăng mật” cùng người bạn đời ở xứ sở ngàn hoa.
Tiên Sa