Cây đậu nành đang được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển ở Đắk Nông, nhất là khi nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp cùng bắt tay liên kết, hình thanh các chuỗi nông sản an toàn, theo hướng hàng hóa.
Ông Phạm Văn Duẫn, xã Đắk D’rông (Cư Jút) trồng đậu nành trên 20 năm nay. Từ các giống cũ địa phương, ông mạnh dạn sản xuất các giống đậu mới, với năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn. Gia đình ông hiện có 3 ha đất trồng đậu nành bằng giống mới Vinasoy 02- NS.
Với loại giống mới, năng suất đậu nành không ngừng được cải thiện. Trước đây mỗi ha đậu nành chỉ đạt mức 2 tấn hạt thì nay có thể lên tới 3 tấn.
Ông Phạm Văn Duẫn, xã Đắk D’rông (Cư Jút)
Ông Duẫn là một trong những thành viên của HTX Đậu nành Nam Dong. HTX thành lập cuối năm 2019 và hiện có 115 thành viên, sản xuất 152 ha đậu nành/vụ.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc HTX Đậu nành Nam Dong cho biết, HTX đã ký thỏa thuận hợp tác lâu dài với Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy.
Theo đó, xã viên được cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác đầu nành. Còn toàn bộ sản lượng đậu nành được Công ty thu mua. Hoạt động này đã diễn ra thuận lợi 5 năm nay. Hiện nhiều hộ dân đề nghị được tham gia vào HTX, nhưng đơn vị đang cân nhắc kỹ càng nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn sản xuất.
Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN-PNNT huyện Cư Jút cho biết, đậu nành rất phù hợp với vùng đất Cư Jút. Loại cây này đã phát triển ở Cư Jút từ những năm 1900. Giống đậu nành trước đây là giống bông trắng địa phương.
Có thời điểm diện tích đậu nành của huyện Cư Jút lên đến 10.000 ha. Do một số yếu tố, nên diện tích đậu nành ở Cư Jút giảm dần. Đến năm 2000, diện tích đậu nành của huyện chỉ còn 2.000 ha. Còn hiện nay, huyện chỉ có khoảng 1.000 ha đậu nành mỗi năm.
“Việc Vinasoy liên kết với hộ dân, nhất là bao tiêu đầu ra sản phẩm, đang là cơ hội lớn cho địa phương cũng như người dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đậu nành ổn định, bền vững, gắn ứng dụng công nghệ cao”, ông Sơn đánh giá.
Theo đại diện Công ty Vinasoy, khi nhà nông tuân thủ tốt các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường thì sản phẩm đậu nành trồng tại Đắk Nông đạt năng suất, chất lượng cao. Đây là nguồn nguyên liệu quý cho Công ty trong chế biến các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Công ty nhận định, dư địa cho phát triển đậu nành của Đắk Nông còn khá lớn. Đây chính là lý do Công ty chọn Đắk Nông đặt trạm nghiên cứu gen đậu nành cho các vùng sinh thái cả nước.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, mỗi vụ, toàn tỉnh chỉ có khoảng 2.000 ha đậu nành. Riêng vụ hè thu 2023, tỉnh chỉ có khoảng 1.700 ha đậu nành. Tuy nhiên, cơ hội cho việc mở rộng diện tích đậu nành còn rất lớn.
Ông Lê Hoàng Duy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành (Vinasoy) cho biết: Công ty đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá để sản xuất được các giống đậu nành mới.
Các giống mới có nhiều ưu điểm như năng suất cao, độ đạm cao, kháng sâu bệnh, kháng mặn, kháng phèn để phù hợp với nhiều vùng sinh thái của Đắk Nông cũng như cả nước.
Mới đây, tại Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên (đóng chân tại Cư Jút), Trung tâm đã nghiên cứu, đánh giá được 1.533 nguồn gen quý để phát triển giống đậu nành.
Việc Vinasoy tạo ra các giống mới chất lượng cao, liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững cho cây đậu nành. Cách làm này cần được nhân rộng ra các vùng sinh thái phù hợp khác trên cả nước.
Ông Đinh Công Chính, Cục Trồng trọt, Bộ NN- PTNT
Ông Đinh Công Chính, Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT) thông tin thêm: Thời gian qua, diện tích, sản lượng đậu nành của cả nước liên tục giảm. Nếu như năm 2010 cả nước có trên 197.000 ha đậu nành thì đến nay chỉ còn 37.000 ha.
Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 3,5-5 triệu tấn đậu nành/năm. Việt Nam trở thành nước phải nhập khẩu đậu nành lớn, với kim ngạch khoảng 2-3 tỷ USD/năm, tương đương kim ngạch xuất khẩu gạo hiện nay.
Do đó, việc mở rộng sản xuất đậu nành chất lượng cao tại các vùng sinh thái phù hợp cho nhà nông như Đắk Nông hay khu vực Tây Nguyên là rất hợp lý.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông phát triển khoảng 3.000 ha đậu nành ở huyện Cư Jút và Đắk Mil. Tỉnh đã, đang đưa các giống đậu nành năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất.
Mục tiêu phát triển cây đậu nành của tỉnh Đắk Nông đến năm 2025