Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu đưa Đắk Nông “Trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”. Hiện nay, tỉnh đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này, trong đó, trọng tâm là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp.
Giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp của tỉnh có bước phát triển khá, với mức tăng bình quân là 12,22%. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp đến năm 2020 đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016. Cơ cấu ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 7,79% (năm 2016) lên 12,06% (năm 2020).
Một góc tại Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp) |
Nghị quyết về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh đặt ra mục tiêu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 16%/năm.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,03%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,04%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 24,93%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%.
Đặc biệt, tăng trưởng của các ngành công nghiệp chế biến nông – lâm sản với tốc độ gia tăng giá trị qua chế biến đạt từ 7 – 8%/năm. Công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin, nhôm tăng 46,46%; điện sản xuất tăng 13,32%/năm; điện thương phẩm tăng 36,5%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của Đắk Nông vào năm 2025 chiếm 16,74%.
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm Đông trùng hạ thảo |
Một trong những giải pháp cốt yếu phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp đó là Đắk Nông sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện quy mô nền kinh tế của tỉnh.
Trong đó, tỉnh tập trung vào chính sách ưu đãi như: miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, tiền sử dụng đất, thuế, để khuyến khích thu hút các dự án phát triển công nghiệp bô xít – alumin – nhôm và năng lượng tái tạo và các dự án chế biến nông sản công nghệ cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh.
Các quy trình, thủ tục đầu tư sẽ được tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo hướng thuận lợi hiệu quả hơn cho nhà đầu tư. Từ đó, tỉnh rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh xác định những nhóm ngành, lĩnh vực sản xuất trọng tâm khuyến khích phát triển, có cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn công nghiệp lớn.
Chế biến chanh dây phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Thuận Tâm Đắk Nông (Gia Nghĩa) |
Đắk Nông cũng giảm dần và tiến tới dừng tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, giản đơn tiêu hao năng lượng lớn.
Tỉnh tiến tới cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách và ít gây ô nhiễm môi trường.
Tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các cụm công nghiệp đã quy hoạch sẽ được đánh giá lại. Từ đó, tỉnh xem xét đưa ra khỏi quy hoạch các cụm công nghiệp không có lợi thế thu hút đầu tư.
Đồng thời, tỉnh bổ sung mới quy hoạch cụm công nghiệp tại các vị trí giao thông thuận lợi để kết nối với quốc lộ, tỉnh lộ và đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) trong tương lai.
Đắk Nông sẽ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hoàn thành đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp như: Tâm Thắng, Nhân Cơ, Nhân Cơ 2 và các cụm công nghiệp nhằm thu hút các dự án đầu tư vào hoạt động sản xuất tập trung trong khu, cụm công nghiệp.
Ngành công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững sẽ góp phần tăng thu ngân sách, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Đắk Nông theo hướng công nghiệp từng bước hiện đại.