Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thông qua 13 chỉ tiêu trong năm 2023. Trong đó, tỉnh đặt chỉ tiêu thu ngân sách đạt trên 3.650 tỷ đồng. Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu này là đẩy mạnh nguồn thu từ sử dụng đất.
Năm 2022, tổng thu ngân sách của Đắk Nông đạt 3.475 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra (trên 3.000 tỷ đồng). Riêng lĩnh vực thu tiền sử dụng đất đạt 654/650 tỷ đồng (đạt 100,6% nghị quyết HĐND tỉnh và 172% chỉ tiêu Trung ương giao).
Có 4 huyện thu tiền sử dụng đất vượt chỉ tiêu gồm: Krông Nô 77/50 tỷ đồng (154%), Đắk Mil 164/80 tỷ đồng (205%), Đắk R’lấp 55/40 tỷ đồng (132%); Đắk Glong 48/40 tỷ đồng (120%).
Tuy nhiên, cũng có một số địa bàn không đạt chỉ tiêu thu tiền đất như Tuy Đức 6/10 tỷ đồng (60%), Đắk Song 28/35 tỷ đồng (80%), Cư Jút 20/30 tỷ đồng (gần 67%), Gia Nghĩa 164/265 tỷ đồng (64%).
Năm 2022, cấp tỉnh được giao thu tiền sử dụng đất là 265 tỷ đồng, gồm tiền thu từ đấu giá đất công và tiền sử dụng đất. Đến nay, các đơn vị cấp tỉnh chỉ thu được 164 tỷ tiền sử dụng đất từ tái định cư (vượt khoảng trên 30 tỷ), còn thu đấu giá đất không đạt.
Đắk Nông triển khai nhiều giải pháp để tăng nguồn thu từ sử dụng đất (ảnh: S.V) |
Tại kỳ họp, theo lý giải của ngành chức năng, nguyên nhân thu tiền đất không cao là do “vướng” một số quy định chung. Ngoài ra, do quy hoạch sử dụng đất của các huyện chưa được phê duyệt, nên khó khăn cho việc kêu gọi đầu tư, đấu giá đất, dẫn đến hụt nguồn thu…
Liên quan đến chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho rằng, đối với thu tiền sử dụng đất, trước hết, tỉnh cần tập trung điều chỉnh các lô đất công trên địa bàn các huyện, thành phố. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng 223 lô đất công.
Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện rà soát, đưa vào khai thác các quỹ đất công để quy hoạch sử dụng, bảo đảm những vị trí thu tiền một lần và chuyển sang đất ở, kế hoạch sử dụng đất; đưa vào đấu giá những khu vực thương mại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT khẩn trương trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất. Vì chỉ khi hoàn thiện quy hoạch thì mới tổ chức đấu giá, đấu thầu được.
Thu tiền đất tái định cư cũng là giải pháp quan trọng để tăng ngân sách (ảnh: S.V) |
Ngoài việc ban hành quy định đất dôi dư, về giải phóng mặt bằng và một số vị trí đất khác, công tác cải cách thủ tục hành chính về đất cũng cần được tập trung thực hiện tốt hơn.
Một giải khác pháp được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên đưa ra là phải đẩy mạnh phát triển đô thị. Nếu không phát triển đô thị, nguồn thu từ đất rất khó đạt ở mức cao.
Ngoài ra, nguồn thu đất tái định cư cần tập trung khai thác tốt. Bởi vì, đây là nguồn thu dự báo được. Hiện nay, theo báo cáo của UBND TP. Gia Nghĩa, quỹ đất cấp tái định cư còn khoảng 701 lô.
Bình quân mỗi lô có giá trị khoảng 385 triệu đồng. Như vậy, riêng ở Gia Nghĩa, nguồn thu này sẽ được 421 tỷ đồng. Do đó, UBND TP. Gia Nghĩa, Cục Thuế tỉnh, Sở TN-MT cần tập trung thu tiền đất tái định cư.
Các địa phương cũng cần tập trung giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người dân; đồng thời tăng cường thu đối với việc chuyển nhượng đất tái định cư sang tay.
Đi đôi với đó, các ngành, địa phương sớm rà soát số nợ đọng tiền sử dụng đất để thu hồi. Vì theo quy định mới, Nhà nước không còn cho nợ tiền sử dụng đất như trước đây.
Các vấn đề liên quan đến thu từ đất công, dôi dư, tỉnh đã ban hành một số quyết định để triển khai. Dự kiến tiền thu nguồn này sẽ tăng khoảng 200 tỷ đồng, nên cấp huyện phải quyết liệt.
“Công tác kiểm tra, giám sát thu ngân sách, nhất là thu tiền đất, cần được thực hiện hàng tháng, hàng quý, không đợi đến 6 tháng, 9 tháng mới đánh giá”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh.