Nhiều chương trình, chính sách đặc thù
Theo Sở LĐTB-XH, cuối năm 2021, hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 11,19%, trong đó đồng bào DTTS tại chỗ chiếm tỷ lệ 32,81%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 7,97% (giảm 3,22%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%).
Để có được kết quả này, ngoài việc thực hiện các chính sách giảm nghèo của Chính phủ, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách đặc thù riêng cho đồng bào DTTS tại chỗ phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
Cụ thể, tỉnh lồng ghép nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao đời sống vật chất – tinh thần cho đồng bào DTTS, giai đoạn 2021-2025; kết nghĩa, đỡ đầu giữa cơ quan, đơn vị với các bon, buôn đồng bào DTTS tại chỗ; hỗ trợ đào tạo nghề, lãi suất để cải thiện nhà ở, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; đất ở và đất sản xuất; bảo hiểm y tế, giáo dục; điện, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh…
Các huyện ủy, thành ủy cũng lựa chọn, xây dựng từ 1-2 địa bàn trọng điểm bon, buôn đồng bào DTTS tại chỗ để tập trung các nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Phong trào thi đua “Đắk Nông chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” do tỉnh phát động cũng đã thu hút được sự chung tay, góp sức tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Giảm nghèo chưa vững chắc
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, khóa XII mới đây, đánh giá kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XII, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS tại chỗ giảm nhưng chưa vững chắc. Tỷ lệ hộ nghèo tái nghèo mới còn cao.
Nhiều thôn, buôn tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60%. Tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo trong DTTS tại chỗ hằng năm còn cao (bình quân mỗi năm có khoảng 1/4 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới) so với tổng số hộ thoát nghèo.
Một số chính sách chưa được giải quyết dứt điểm theo mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực và còn nhiều vướng mắc trong thực hiện như chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo.
Mặt khác, mức hỗ trợ của một số chính sách giảm nghèo chưa đủ mạnh để thúc đẩy các hộ vươn lên thoát nghèo. Nhiều chính sách hỗ trợ có tính chất cho không như hỗ trợ về gạo, cấp tiền điện; chưa khai thác, huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong Nhân dân và chính người nghèo.
Điều này, dẫn đến tình trạng người nghèo còn trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo, thiếu tinh thần vươn lên.
Giảm nghèo phải xuất phát từ người dân
Cũng theo Sở LĐTB-XH, dự báo trong những năm tới, hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ vẫn chiếm tỷ trọng cao so với tổng số hộ nghèo chung của tỉnh. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các “lõi nghèo” là vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn như huyện Tuy Đức, Đắk Glong. Nguy cơ tái nghèo, nghèo mới còn cao.
Vì vậy, để hoàn thành các mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là trong ĐBDTTS theo Nghị quyết số 13 đề ra, thì công tác tuyên truyền để tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức cho cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân là giải pháp hàng đầu.
Trọng tâm, tuyên truyền, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, khơi dậy ý chí thoát nghèo, chủ động phấn đấu vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Việc phát huy vai trò của người có uy tín, cốt cán ở cơ sở, già làng, trưởng bon nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tập quán sinh hoạt để tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cũng được chú trọng.
Công tác giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ người dân. Chính bà con phải tự thay đổi cách làm kinh tế của mình. Nếu không tự thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, không chủ động vươn lên, quyết tâm thoát nghèo thì không thể nào làm được”.
Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, khóa XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025
Đồng quan điểm, theo đồng chí Hà Thị Hạnh, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS, đặc biệt là dân tộc tại chỗ còn khá cao. Do đó, để giảm nghèo bền vững, các ngành, địa phương có giải pháp thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia và giải pháp căn cơ nhất vẫn là khơi dậy ý thức thoát nghèo.
Hiện nay chúng ta đã triển khai mô hình các cơ quan thực hiện công tác kết nghĩa với các buôn, bon đồng bào DTTS. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc tặng quà hằng năm mà các đơn vị phải thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, hỗ trợ các mô hình sinh kế, trao đổi cách làm ăn hiệu quả, từ đó nâng cao ý thức thoát nghèo cho người dân”
Đồng chí Hà Thị Hạnh, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề tạo việc làm; thực hiện các mô hình hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ cần được đẩy mạnh. Các chính sách giảm nghèo chung, ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù đối với hộ nghèo DTTS tại chỗ của tỉnh và thực hiện tốt chính sách “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo” tiếp tục được chú trọng.
Các cấp ủy đảng, đoàn thể phân công, giao nhiệm vụ cho từng cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của mình giúp đỡ hộ nghèo thuộc tổ chức mình phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây cũng được xem là tiêu chí để đánh giá xếp loại thi đua hàng năm của các cấp, ngành.
Để giảm nghèo hiệu quả thì các đợt điều tra, rà soát hộ nghèo hằng năm cần nắm chắc các thông số về tình hình và nguyên nhân nghèo, tái nghèo, hộ thoát nghèo để có những giải pháp hiệu quả đối với từng hộ, khu vực nhóm đối tượng.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho các bon, buôn đồng bào DTTS tại chỗ phù hợp với chuyên môn của ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
“UBND tỉnh đang chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị tiến hành rà soát, củng cố lại công tác kết nghĩa, ký kết lại với các buôn, bon DTTS tại chỗ. Công tác kết nghĩa buôn, bon DTTS tại chỗ là chủ trương lớn của tỉnh nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, do đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”.
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh