Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành chuẩn bị được đầu tư, cùng với những tuyến cao tốc khác đang được đề xuất xây dựng, sẽ mở cánh cửa phát triển, tạo nên “đường băng lớn” đưa Đắk Nông cất cánh.
Sở hữu nhiều tiềm năng vượt trội, việc đầu tư hoàn thiện các tuyến cao tốc sẽ đưa Đắk Nông phát triển vượt bậc |
Chờ cao tốc
Khi Quốc hội thông qua chủ trương Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), người dân Đắk Nông rất phấn khởi và ngóng chờ. Không chỉ là tuyến cao tốc đầu tiên kết nối Đắk Nông, Dự án sẽ tháo bỏ điểm nghẽn giao thông đã kìm hãm sự phát triển của vùng đất cao nguyên này nhiều năm qua.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, ông Ngô Thanh Danh khẳng định, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành là con đường mà nhân dân rất mong đợi. Đây là con đường mơ ước, con đường nghĩa tình, con đường chiến lược trên mọi mặt kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; một chương mới không những cho 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, mà cả Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Theo nghị quyết của Quốc hội, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 128,8 km, chia thành 5 dự án thành phần. Nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.111 ha. Tổng mức đầu tư của Dự án là 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 10.536 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 2.233 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng. Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành trong năm 2027.
MỞ ĐƯỜNG THU HÚT ĐẦU TƯ
Tỉnh Đắk Nông triển khai xúc tiến, thu hút và hợp tác đầu tư tập trung vào 3 đột phá phát triển của tỉnh là công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Với công nghiệp, sẽ đầu tư các tổ hợp Nhà máy Alumin Đắk Nông 2, 3, 4, 5, gắn với các cụm mỏ khai thác bô xít, hoàn thổ, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn. Hoàn thành 7 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp; đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.
Về nông nghiệp, sẽ hình thành 25 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung với diện tích trên 10.000 ha; xây dựng 19 vùng/khu khuyến khích phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung với diện tích trên 4.500 ha. Ưu tiên đầu tư các dự án chế biến sâu nông sản công nghệ cao, kho dự trữ, bảo quản thành phẩm…
Về du lịch, sẽ phát triển 4 cụm du lịch trọng điểm; phát triển Khu du lịch hồ Tà Đùng từng bước trở thành khu du lịch cấp quốc gia. Thu hút đầu tư phát triển các dự án khu, điểm du lịch tiềm năng, như Tổ hợp, khu du lịch Quảng Khê; Tổ hợp, khu du lịch Liêng Nung; Tổ hợp đô thị, du lịch sinh thái hồ Đắk R’tih…
Đây là dự án cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với TP.HCM, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ… Vì vậy, Quốc hội đã quyết nghị việc triển khai, thực hiện Dự án được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt.
Trong đó, cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án đến hết năm 2026. Cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Ngoài ra, trong giai đoạn triển khai thực hiện Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng… Đặc biệt, Nghị quyết quyết nghị đầu tư đồng bộ toàn Dự án theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và sử dụng chi phí dự phòng của Dự án bảo đảm không làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án.
Thông tin mới nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết để triển khai đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, trong đó nêu rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần của Dự án.
Tại Đắk Nông, các công việc liên quan đến Dự án đã được triển khai ngay. Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đi qua huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) dài 27,8 km; tổng diện tích giải phóng mặt bằng qua tỉnh khoảng 261 ha. Theo khái toán của huyện Đắk R’lấp, có 408 hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất với khoảng 260 trường hợp được bố trí tái định cư…
Để chuẩn bị trước cho việc triển khai Dự án, ngay từ tháng 7/2022, tỉnh Đắk Nông đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác hiện trạng, phạm vi lộ giới quy hoạch tuyến cao tốc này. Ngoài ra, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đã được tỉnh Đắk Nông tích hợp với quy hoạch sử dụng đất và danh mục thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất… Đắk Nông chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng triển khai xây dựng tuyến cao tốc quan trọng này.
Giao thông mở đường
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, ông Lê Văn Chiến khẳng định, so với trước đây, hạ tầng giao thông của tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực, giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn. Dẫu vậy, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn là điểm nghẽn chính cho phát triển của địa phương. Với duy nhất đường bộ, kết nối với các trung tâm kinh tế của tỉnh rất khó khăn, trong khi các tuyến đường trọng yếu như Quốc lộ 14, 28, 14C, tỉnh lộ 1… đã xuống cấp, nguồn lực để đầu tư, nâng cấp lại rất hạn chế.
“Chúng tôi rất chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, xác định đây là một trong 3 khâu đột phá phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Muốn nhân dân thoát nghèo, tỉnh phát triển, thì giao thông phải tiên phong, giao thông có ý nghĩa mở đường cho nhiều ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế, trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương. Vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt đối với Đắk Nông”, ông Chiến chia sẻ.
Ngoài ra, Đắk Nông cũng phối hợp kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa. Bên cạnh đó là Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14C, Quốc lộ 28 qua địa bàn tỉnh; xây dựng đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành (Bình Phước) theo tiến trình quy hoạch đã được phê duyệt…
Theo ông Lê Văn Chiến, ngoài cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, các tuyến cao tốc được đầu tư ở Tây Nguyên sẽ là giải pháp căn cơ và khả thi nhất tạo điều kiện phát triển. Bên cạnh các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh sẽ tận dụng các kênh vốn, chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung cải tạo, đồng bộ hạ tầng giao thông của tỉnh.
Tỉnh Đắk Nông cũng sẽ tranh thủ nguồn vốn của nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án giao thông. Hiện có nhà đầu tư đã tìm hiểu thực hiện dự án giao thông theo hình thức PPP từ Gia Nghĩa nối Bảo Lộc… Một nguồn lực quan trọng khác mà tỉnh Đắk Nông sẽ huy động là sự đóng góp của nhân dân, khi trong thời gian qua, người dân đã chung tay hiến đất mở đường với số vốn rất đáng kể…
“Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, cùng với những dự án giao thông trọng điểm khác được đầu tư, sẽ giúp Đắk Nông cất cánh, bởi hiện nay, trên 90% sản phẩm nông nghiệp ở Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung đều xuất về các cảng ở TP.HCM. Giao thông đi trước mở đường sẽ tạo bước ngoặt quan trọng giúp Đắk Nông thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh”, ông Chiến khẳng định.
Dồn sức thực hiện khâu đột phá về hạ tầng giao thông, Đắk Nông đang từng bước mở thông những tuyến đường, để tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mới, đầy triển vọng.
Nguồn: https://baodautu.vn/dak-nong-but-pha-voi-cao-toc-d225975.html