Ngày 2/1/2024, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp tổng kết tình hình hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Năm 2023, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đắk Lắk tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở ngành, địa phương và NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk triển khai hiệu quả công tác cho vay tín dụng chính sách ưu đãi.
Cùng với đó, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương để không ngừng nâng cao hoạt động tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đánh giá cao kết quả đạt được năm 2023 về chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo |
Theo ông Đào Thái Hoà, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 47.858 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số vốn cho vay hơn 2.086 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 7.356 tỷ đồng, tăng hơn 1.025 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 16,2%, với 168.816 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương hơn 6.922 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94,2%; dư nợ vốn ủy thác từ ngân sách địa phương 433,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,8%.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được kiểm soát hiệu quả, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 9,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,13%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (dưới 0,2%); có 14/15 phòng giao dịch cấp huyện có nợ quá hạn giảm so với cuối năm 2022, 106/184 xã không có nợ quá hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tín dụng chính sách vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nên bị cắt giảm một số chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, nên người dân gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất.
Trong khi đó, nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH còn thấp nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn cho người dân vay; công tác sắp xếp hồ sơ lưu trữ của hội, đoàn thể và tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đầy đủ, khoa học…
Các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk góp phần tích cực vào tạo công ăn việc làm và xây dựng nông thôn mới |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đánh giá cao những kết quả đạt được năm 2023 về chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Năm 2024, ông Hà đề nghị NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục tham mưu cho các sở, ban, ngành, địa phương các cấp thực hiện tốt kế hoạch, chỉ thị của Trung ương và địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng từ 8% trở lên; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, tổng nợ quá hạn và khoanh dưới 0,2%.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng; đôn đốc, xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ tồn đọng.
Đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và NHCSXH nắm bắt danh sách hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để làm cơ sở giải ngân vốn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ngay từ đầu năm 2024 để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đối với các tổ chức chính trị – xã hội, cần thực hiện tốt những nội dung ủy thác, giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay, phân tích nợ để xử lý nợ rủi ro…