Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk về kết quả, định hướng, mục tiêu trong phát triển cà phê chất lượng cao.
Phóng viên (PV): Thưa ông, ngành cà phê có vị trí như thế nào trong phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk?
Ông Nguyễn Hoài Dương: Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Theo lịch sử phát triển, cà phê được người Pháp trồng tại các tỉnh Tây Nguyên từ những năm cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, khoảng vài trăm héc-ta tại các đồn điền như: Rossi, Cada, CHPI.
Thời điểm đó, năng suất cà phê chỉ mới đạt khoảng 5-6 tạ/ha và phần lớn sản phẩm được xuất khẩu sang Pháp. Hương vị tự nhiên của cà phê Buôn Ma Thuột thơm đặc trưng và đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ biển Ngà được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ưa chuộng. Cây cà phê ở Đắk Lắk hiện nay được trồng chủ yếu ở vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích 213.000ha, lớn nhất cả nước (chiếm hơn 30% diện tích cả nước), năng suất bình quân đạt hơn 27 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 530.000-540.000 tấn cà phê nhân.
Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội, với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm, chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Ngành cà phê Đắk Lắk tạo việc làm ổn định cho khoảng 500.000 lao động.
PV: Đắk Lắk đang triển khai thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án). Vậy kết quả đã đạt được những gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoài Dương: Kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án là đã có gần 46.000ha cà phê ở Đắk Lắk được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận. Các tổ chức tín dụng trong toàn tỉnh cho 5.676 khách hàng vay vốn để tái canh cà phê với dư nợ 2.101 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 54 tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích hơn 6.000ha.
Tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất cà phê bền vững cho 17.508 hộ nông dân, đang quản lý diện tích 19.773ha cà phê. Tính đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 782 công trình thủy lợi, hơn 2.031km kênh mương, trong đó 1.228km kênh mương đã kiên cố hóa, chủ động nước tưới cho 57.164ha cà phê, đạt 27,46% tổng diện tích.
PV: Để phát triển cà phê chất lượng cao, tỉnh Đắk Lắk có chính sách gì để đạt được mục tiêu đề ra?
Ông Nguyễn Hoài Dương: Cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, quan điểm của tỉnh Đắk Lắk là không tăng diện tích trồng cà phê mà tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê bền vững ở cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong đó, cà phê chất lượng cao được xem là định hướng cho sản xuất, chế biến, bảo quản góp phần quan trọng nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo. Sản xuất cà phê theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc liên kết theo chuỗi giá trị, trên cơ sở hình thành các HTX trong chuỗi ngành hàng cà phê. Huy động nguồn lực từ các chương trình và dự án để triển khai có hiệu quả Đề án.
PV: Các kỳ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột có ý nghĩa như thế nào trong việc đẩy mạnh phát triển, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng cao, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoài Dương: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức theo định kỳ hai năm/lần, nhằm mục đích tôn vinh cây cà phê-cây trồng đem lại sự ấm no, trù phú cho vùng đất cao nguyên này. Lễ hội cũng là cơ hội để Đắk Lắk đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Cà phê Buôn Ma Thuột”.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8-năm 2023 là năm đầu tiên tổ chức Hội thảo phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao. Đặc biệt, Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam được tổ chức định kỳ hằng năm tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Điều này cũng giúp sản phẩm cà phê Đắk Lắk được nâng tầm.
Những khách hàng quốc tế đã có cái nhìn mới về chất lượng cà phê Việt Nam và nhờ đó cà phê Đắk Lắk từng bước chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Với xu hướng đó, ngành hàng cà phê của Đắk Lắk sẽ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, công nghệ, đa dạng sản phẩm để mang lại hiệu quả cao hơn nữa đối với sản phẩm cà phê.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 9-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kế luận số 67/KL-TW, ngày 16-12-2019 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
UBND TP Buôn Ma Thuột đang tiến hành thực hiện một nội dung quan trọng của chương trình hành động là xây dựng Đề án phát triển thương hiệu TP Buôn Ma Thuột trở thành “thành phố cà phê của thế giới”, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.
|
KIỀU BÌNH ĐỊNH (thực hiện)