Siết chặt công tác quản lý
Là một trong năm tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có trữ lượng khoáng sản phong phú và đa dạng, những năm gần đây, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày một nâng cao và có hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như cát, đá vẫn còn diễn ra gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý và gây thất thoát tài nguyên. Điển hình như tại địa bàn huyện Krông Ana xuất hiện khá nhiều đoạn sông bị sạt lở do quá trình khai thác cát gây ra.
Theo ông Nguyễn Văn An (buôn MLiêng 2, xã Đắk Liêng, huyện Lắk), từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác cát dọc tuyến sống Krông Ana diễn ra khá liên tục gây nên tình trạng sạt lở đất sản xuất của người dân dọc bờ sông. “Đất bị sạt lở khá nhiều, bờ sông ngày một rộng, chúng tôi đã gửi đơn đến cơ quan chức năng. Mới đây, có đoàn của huyện và tỉnh xuống kiểm tra và mấy tháng trở lại đây, tôi thấy tàu bè đã giảm đáng kể nhưng không biết có được lâu dài không”, ông An lo lắng nói.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Thanh – Trưởng phòng TN&MT huyện Lắk cho biết, trước tình trạng sạt lở bờ sông tác động đến quá trình canh tác của người dân, lãnh đạo huyện Lắk đã chỉ đạo cho phòng chuyên môn phối hợp với xã Đắk Liêng kiểm tra thực tế và lập biên bản. “Chúng tôi đã kiểm tra thực tế và nhận thấy có tình trạng sạt lở. Từ nhiều năm nay, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và Sở TN&MT đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường xử lý tình trạng này. Chúng tôi luôn bám sát và phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra xử lý các vụ việc liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn”, ông Thanh cho hay.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, trước tình trạng khai thác khoáng sản chưa đúng quy định vẫn còn diễn ra tại một số địa phương, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo việc khai thác khoáng sản mang lại lợi ích cho xã hội và đóng góp nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo được việc làm cho người dân địa phương.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Theo ông Trần Đình Nhuận – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 300 điểm mỏ với 28 loại khoáng sản chủ yếu. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk cũng đang tập trung cho khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cơ bản đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp và xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là tiềm năng, là nguồn lực để góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng hiện tại cũng như trong tương lai.
Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, UBND tỉnh Đắk Lắk giao các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông; Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; tăng cường công tác quản lý về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và tham mưu ban hành Kế hoạch cho giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Trong đó, Sở TN&MT tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quy định theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phù hợp với thực tiễn trong quá trình quản lý trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong công tác thu hút đầu tư.
“Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cũng tập trung điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản, làm cơ sở xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tích hợp vào quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối liên thông với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nhất là xử lý khiếu nại tố cáo xung đột về đất đai; góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương một cách bền vững” – ông Trần Đình Nhuận cho biết thêm.